Monday, August 19, 2013

NHỮNG NGƯỜI THẦY TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI

Trân trọng gửi lời tri ân đến Soeur Bernadette Lan Anh và quý Soeur dòng Saint Paul Đà Nẵng
 
Thế là ngày 20 tháng 11 đã đi qua, tất cả lại trở về như thường nhật.
Đêm qua dù buồn ngủ, cũng gắng thức để trả lời mấy chục cái tin nhắn, còn bao nhiêu cuộc gọi nhỡ đành hẹn lại sau hoặc cũng có thể cho qua.

Hôm qua, những người bạn thân đã tổ chức gặp mặt quý thầy cô giáo đã dạy học hồi còn phổ thông từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những người trò bây giờ cũng già dặn không kém những người thầy. Đã hơn 40 năm qua mà tình thầy trò vẫn đượm nồng tôn kính. Cái đạo lý thầy trò đã ăn sâu vào tâm khảm của bao nhiêu thế hệ người Việt. Không phải chỉ từ khi có ngày hiến chương nhà giáo 20 tháng 11 thì tình thầy trò mới được tôn vinh.
Một khi đã sống trong một khung cảnh xã hội nhất định, ắt sẽ bị ràng buộc ít nhiều theo những đổi thay, định lệ của xã hội ấy. Ngày hiến chương nhà giáo với mục đích ban đầu có thể khác, nhưng có lẽ bây giờ đôi khi cũng đã đổi thay biến tướng: có thể thành một dịp để ai đó nhận phong bì, có thể thành một dịp để ăn nhậu bù khú, có thể thành một dịp để mua chuộc, xin điểm, lấy lòng....v v..
Học trò nhiều khi nhìn về thầy cô thật tệ hại và tính toán chi ly, thầy nào quà gì...Không có thầy cô nào lại không có những giây phút chạnh lòng suy nghĩ.
Rồi tuổi đời càng chồng chất, càng nghiệm ra lẽ sống ở đời, vui thú không chỉ có ăn và uống, không chỉ có xưng tụng và chê bai... Cuộc đời có đó rồi mất đó. Người thầy được ví như người lái đò đưa khách sang sông. Khách qua đò mấy người ngoái đầu nhìn lại con đò?
Và như nghiệp dĩ, người lái đò vẫn với công việc quen thuộc. Có thể mùa nước cạn, có thể những cơn lũ bất ngờ đòi hỏi phải chống chèo để đưa con đò về tới đích.
Người ta phạt tù người lái đò vì hám lợi đã không điều khiển được con đò gây nên cái chết thương tâm của bao người khách sang sông.
Còn người thầy giáo có trách nhiệm với sản phẩm của mình như thế nào? Một năm, hai năm, năm năm sau khi đò đã sang sông? Thật khó để trả lời !
Người ta định lượng được sản phẩm của người kỹ sư với các vật dụng, máy móc, dụng cụ; còn sản phẩm của người thầy thuốc lại dựa trên sự thoát cơn hiểm nghèo của bệnh nhân...Và vì vậy, người ta trả lương cho người kỹ sư, cho người bác sĩ cao hơn lương của người thầy giáo .
Ngay cách gọi tên cũng thế, người ta gọi kỹ sư, kiến trúc sư, pháp sư, công trình sư, họa sĩ, ca sĩ, nghị sĩ, bác sĩ, tu sĩ, chiến sĩ nhưng với " người thầy" thì tên gọi chỉ trọn vẹn bởi chử.."viên", tương tự như nhân viên, đoàn viên, đội viên...cho dù anh dạy từ bậc Đại học cho đến lớp Mầm non. Tất cả đều chung một tên gọi: Giáo viên. Và người thầy chỉ được gọi là "giáo sư "nếu có ít nhất 6 điểm được đánh giá, qua mấy vòng xét duyệt cho bao nhiêu bài báo được tích cóp lại trong vài năm cho đến vài chục năm làm việc. Mà cách tính điểm các bài báo lại phụ thuộc vào khả năng đánh giá của 1 vài cá nhân, có thể vương theo ít nhiều cảm tính để cho điểm từ 0,1 điểm đến 1 điểm..
Bỏ qua đi những danh xưng đó để trở về đúng nghĩa
" người thầy", có lẽ mỗi chúng ta trong cuộc đời đã nhận sự dìu dắt, dạy bảo của rất nhiều người thầy. Những bài học đầu đời qua cha , qua mẹ; những bài học vỡ lòng từ các thầy cô giáo tiểu học, trung học và rồi những bước học tiếp..Có những người thầy tận tụy và nghiêm khắc, có những người thầy nóng nẩy và cũng có những người thầy thật hiền hòa...Và hình như trong mỗi chúng ta, khi nhớ về kỷ niệm thuở học trò thì bao giờ những thầy cô hiền hậu vẫn để lại trong ta một sự nồng ấm thân thương. Và có lẽ chính vì thế mà chúng ta mới có hai từ " dạy dỗ".
Khi có những phong trào được phát động viết về người thầy của mình, tôi cũng rất muốn nói đến niềm tự hào đối với những người thầy của tôi. Nhưng tôi sẽ nói như thế nào ngay khi tên của ngôi trường yêu dấu cũng không còn nữa?
Những người thầy yêu dấu của tôi có y  phục khác hẳn với những thầy cô khác: không có những huân huy chương, không có những kỷ niệm trên chiến trường mà lại có khăn lúp đầu và với những chiếc áo chùng, hai màu đổi thay đen và trắng. Kỷ niệm về những người thầy với những buổi cầu kinh hàng tuần trong thinh lặng, và hành trang với tôi là những bài học đạo đức mà tôi đã làm rơi vãi dần qua mấy chục năm đường đời. 
Có đôi khi nỗi sợ hãi, sự khác biệt làm mình phải trở nên nhạt nhòa, không còn là chính mình nữa..Rồi khi tiếng thời gian gọi về, chợt giật mình thảng thốt khi nhận ra rằng mình đã vương vãi thật nhiều châu ngọc để đổi lấy những điều phù phiếm, mông lung..Những khoảng tối tăm, lẩn khuất đâu đó..đói nghèo, sợ hãi, bản ngã,  yếu đuối và cả sự ngạo mạn bướng bĩnh...dần dà đã làm thay hình đổi dạng tất cả.
Đến một lúc nào đó chợt nhận chân được rằng giá trị cuộc đời không chỉ là tiền bạc, cũng không chỉ là danh vọng. Làm thế nào để sự tự trọng không cần phải xây trên nền giả dối, vị kỷ và tham lam.
Một buổi sáng mờ sương của trời thu Hà Nội, tôi vẫn nhớ người thầy đáng kính của tôi (1) đã nói: " Ta hy vọng con sẽ học tốt và sẽ làm một điều gì đó để có thể áp dụng cái sở học của con giúp đời chứ không phải thu thập một mớ kiến thức rồi ném qua cửa sổ."
Tôi vẫn nhớ một câu nói cần khắc cốt ghi tâm (2):" Các con hãy luôn nhớ phải sống hiền lành và đơn sơ như chim bồ câu nhưng khôn ngoan như một con rắn."
 
Và rồi chiều nay tin tức về một cảnh chìm phà ở Quảng Nam khiến lòng bâng khuâng tự hỏi, có bao giờ mình đã buông xuôi tay chèo để học sinh của mình không về được bến không?
 
Dù thế nào chăng nữa, trong tâm tư tôi vẫn thầm nhắc nhủ, ghi ơn cha mẹ, các thầy cô như cha mẹ thứ hai của tôi đã giúp tôi không quỵ ngã trên đường đời cho đến hôm nay. Mong sao những ngày tháng còn lại, đừng có làm điều gì để các bậc trưởng thượng phải buồn lòng nếu không đủ khả năng làm cho các ngài hãnh diện về thành quả vun trồng của mình.
20.11.2011