Sunday, May 19, 2013

'Việt Nam đang xây dựng khoa học từ nóc nhà'

thủ tục hành chính, tài chính, nghiên cứu khoa học- "Thủ tục hành chính và sự minh bạch tài chính chỉ là một khâu nhỏ, không nên vin cớ vào đó - muốn phát triển khoa học ở trường ĐH cần phải nhìn vào tận gốc rễ của vấn đề" - GS.TS Dương Minh Đức Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận.


GS.TS Dương Minh Đức


Việt Nam đang xây dựng khoa học từ nóc nhà
- Thưa giáo sư, thủ tục hành chính lạc hậu, tài chính thiếu minh bạch, nghiên cứu khoa học manh mún, nhỏ lẻ…chỉ là một phần nhỏ “thui chột” động lực nghiên cứu của giảng viên, vậy theo ông những giảng viên đại học Việt Nam đang gặp khó khăn gì?
Giống như trong đá bóng, chúng ta xây dựng khoa học Việt Nam từ nóc nhà. Chúng ta rất chăm chú vào các kết quả nghiên cứu khoa học và các cấp học thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng nguồn nhân lực để làm việc, ở Việt Nam phải do đào tạo của cấp cử nhân. Việc này đã khác hẳn với các nước như Mỹ, các nước đang phát triển khác họ có thể chọn một phần từ các nhân tài trên thế giới, trong khi đó chúng ta còn mất các nhân tài giỏi nhất cho các nước như Mỹ…
"Số lượng công bố các công trình khoa học/tiến sĩ của Việt Nam kém hơn một số nước trong khu vực Asean đã rõ qua các thống kê gần đây. Mặt khác, ít người thấy được tỉ lệ số công trình có tác dụng thật sự để phát triển kinh tế, kỹ thuật, y tế và nông nghiệp" - GS.TS Dương Minh Đức thẳng thắn.
Với cách làm như vậy, các đầu tư cho nghiên cứu khoa học và các cơ hội giao lưu với thế giới (các seminar và lớp do giảng viên nước ngoài dạy, thực tập nước ngoài) chỉ tập trung ở các viện nghiên cứu. Thí dụ : các phòng thí nghiệm tiên tiến tập trung ở các phòng thí nghiệm trọng điểm, còn các phòng thí nghiệm ở các đại học rất lạc hậu.
Chính sách đãi ngộ dựa nhiều trên công trình, và khó đến với các giảng viên phải mất nhiều thì gian cho giảng dạy. Mô hình Nafosted rất tốt cho khuyến khích khoa học ở Việt Nam, nhưng cũng không có chính sách thỏa đáng để khuyến khích được số đông giảng viên đại học tham gia nghiên cứu.
Nói chung chúng ta phải quan tâm hơn việc đầu tư cho nền móng “đào tạo cấp cử nhân” cho việc nghiên cứu khoa học. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào các nguồn lực đào tạo từ nước ngoài.
Muốn tăng khoa học cần phải giảm số lượng SV
- Thưa ông, có một thực tế không phải là khó khăn từ hành chính, tài chính mà giảng viên hiện nay cũng không mặn mà với nghiên cứu khoa học, nhiều công trình nghiên cứu chỉ mang tính hình thức, cho có... vậy nguyên nhân do đâu?
Các giảng viên lớn tuổi đại học còn làm nghiên cứu thường đã có thời gian dài làm việc nước ngoài, họ có tiền và nhà cửa. Các giảng viên này đã đi lại ra nước ngoài nhiều ngay thời điểm nước ta còn khó khăn và bao cấp. Còn đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ hiện nay phải đối phó với mức sống xã hội cao hơn trước, không dễ tìm đất cất nhà như ngày xưa. Vì thế việc họ cố dạy nhiều giờ để kiếm tiền cũng dễ hiểu.
Hơn nữa, ở các trường ĐH môi trường nghiên cứu không như ở các viện nghiên cứu; giảng viên thiếu giao lưu khoa học, phương tiện nghiên cứu và bầu không khí nghiên cứu khoa học cũng là yếu tố quan trọng làm giảm đi động lực này.
Đơn cử, lương của một tiến sĩ sau 5 năm học ở Mỹ trở về Việt Nam luôn luôn thấp hơn một công nhân tốt nghiệp phổ thông có quá trình làm việc 5 năm. Việc này làm cộng đồng các giảng viên đại học có nghiên cứu khoa học ngày càng nhỏ dần.
- Vậy, giáo sư có thể vạch một hướng đi mới để khuyến khích giảng viên đại học tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều cũng như sự phát triển của nghiên cứu khoa học Việt Nam?
Cần giảm số lượng sinh viên trong các đại học định hướng nghiên cứu. Việc này giảm được số lượng giờ dạy tăng thời gian có thể làm nghiên cứu.
Hiện nay chúng ta mất quá nhiều thời gian và cơ sở đào tạo cho các sinh viên yếu, không có khả năng nghiên cứu sau bốn năm học ở cấp cử nhân. Nếu giảm số lượng sinh viên, giữ nguyên và không cần tăng mức đầu tư, chúng ta sẽ nhanh chóng có các đại học nghiên cứu và giảng viên trẻ có thể sống bằng tiền lương để yên tâm nghiên cứu đóng góp cho đất nước.
Ngày xưa, với phương tiện thua hẳn quân thù, chúng ta đã thắng được hai cuộc kháng chiến. Ngày đó chúng ta không quan tâm đến xếp hạng quân đội chúng ta so với quốc tế. Chúng ta gắn liền việc phát triển quân đội với số phận của đất nước.
Ngày nay chúng ta nên gắn liền phát triển khoa học kỹ thuật với vận mệnh đất nước, không nên quá quan tâm đến việc nâng hạng trên bảng xếp hạng quốc tế. Việc này sẽ tạo động cơ yêu nước của giảng viên trẻ vượt qua khó khăn trước mặt để nghiên cứu các đề tài giúp dân bớt khổ một cách cụ thể. Mặt khác khi có hướng nghiên cứu như vậy, các nguồn lực trong nước (như trong kháng chiến) sẽ góp sức cho giảng viên trẻ cũng như các giảng viên có tuổi cải thiện cuộc sống và yên tâm cống hiến.
Việc làm này cần có sự lãnh đạo và định hướng cấp vùng và cả nước. Chúng ta phải có cơ chế đặt hàng cho các nhà khoa học và đấu thầu nhận đề tài. Rất nhiều đề tài rất cần đặt ra và rất khó giải quyết như : dự báo cung cầu trong nông nghiệp để chấm dứt nạn “được mùa rớt giá”, việc phòng chống thủy sản chết hàng loạt, phòng chống các dịch lở mồm long móng hoặc dịch cúm gia cầm, các mô hình thẩm tra chính sách kinh tế xã hội của nhà nước trước khi ban hành, vấn đề giao thông trong đô thị . . .
Nhất thiết cần phải thẩm tra và loại bỏ các nghiên cứu ứng dụng thực tiễn “ảo” hiện nay, để mở đường cho các nghiên cứu ứng thật sự cho đất nước. Cách hay nhất là công khai các đề tài nghiên cứu và các ứng dụng thật sự của chúng trên một website, và để mọi người kiểm chứng và phê phán.
Lê Huyền

3 comments:

  1. Đồng ý với ý kiến giảm số lượng sinh viên

    ReplyDelete
  2. Đồng ý với ý kiến phải đưa tên luân văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở các trường đào tạo lên Internet, công bố năm bảo vệ để tránh tình trạng sao chép, trùng lặp.

    ReplyDelete
  3. Nói chung chúng ta phải quan tâm hơn việc đầu tư cho nền móng “đào tạo cấp cử nhân” cho việc nghiên cứu khoa học. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào các nguồn lực đào tạo từ nước ngoài.
    Một ý kiến cần xem xét!
    Thực tế , nhà nước hầu như chỉ chú trọng 1 số viện nghiên cứu trọng điểm.
    Vấn đề đầu tư cho NCKH ở trường ĐH bị xem nhẹ. Mặt khác ở các trường ĐH, do thiếu chuyên gia giỏi, nên đầu tư sai dàn trải. Ngoài ra, tại 1 số trường có hiện tượng xà xẻo, rút ruột dự án đầu tư nên kết quả đầu tư kém hiệu quả.

    ReplyDelete