Wednesday, March 27, 2013

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: nhận thức và chất lượng

LTS: Những lùm xùm trong việc đào tạo tiến sĩ, mới đây nhất là quyết định đóng cửa một số trung tâm đào tạo tiến sĩ lại chính là cơ hội lý tưởng để nhìn lại vấn đề nổi cộm và bức xúc nhất trong đào tạo tiến sĩ: chất lượng.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: nhận thức và chất lượng

Kỳ 1: Dân không trọng, quốc tế không công nhận

SGTT.VN - Học vị tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống đại học phương Tây. Ở ta, từ cả ngàn năm trước, người đỗ tiến sĩ được xem như những ông nghè, là giới tinh hoa học thuật của nước nhà, do đó hệ thống đào tạo tiến sĩ được thiết lập rất chặt chẽ và nghiêm chỉnh.


Ông nghè về làng: một cách vinh danh sự học của triều Nguyễn. Ảnh: tư liệu

Thế nhưng ở Việt Nam ngày nay, văn bằng tiến sĩ có khi trở thành một đề tài cho công chúng đàm tiếu. Tại sao người dân khinh thường tiến sĩ như thế?
Nhận thức sai
Cách đây khoảng hai năm, Hà Nội đề ra chiến lược đến năm 2012 thành phố sẽ có 50% công chức khối chính quyền có bằng tiến sĩ, và đến năm 2020, 100% công chức diện thành phố quản lý (cấp chi cục trưởng và chi cục phó) có bằng tiến sĩ. Đó là một suy nghĩ rất lạ lùng.
Hà Nội không phải là trường hợp cá biệt với tư duy tiến sĩ hoá công chức như trên; các nơi khác cũng có những chính sách bất thành văn về việc bổ nhiệm cán bộ công nhân viên dựa vào bằng tiến sĩ. Ngày nay, để được đề bạt vào các chức vụ trưởng, giám đốc sở, trưởng khoa ở đại học… thì ứng viên phải có bằng tiến sĩ. Có trường hợp người ta bổ nhiệm nhân sự rồi, và tìm cách “hợp thức hoá” (tức kiếm bằng tiến sĩ cho họ). Văn bằng tiến sĩ không còn mang tính học thuật, mà là một phương tiện đạt được cứu cánh làm quan.
Nhận thức về bằng tiến sĩ như trên là một sai lầm. Có thể nói ngắn gọn rằng chương trình đào tạo tiến sĩ là để cung cấp cho xã hội những nhà khoa học chuyên nghiệp và giáo sư đại học tương lai. Văn bằng tiến sĩ có thể ví von là một “giấy thông hành” của nhà khoa học. Mục tiêu số một của chương trình học tiến sĩ là đào tạo các nhà khoa học chuyên nghiệp, những người am hiểu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, có khả năng phát hiện, thiết kế thí nghiệm hay nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, có khả năng truyền đạt kết quả nghiên cứu đến đồng nghiệp trong chuyên ngành và công chúng. Không phải nhà khoa học chuyên nghiệp nào cũng cần bằng tiến sĩ (vì người không có bằng tiến sĩ vẫn có thể là những nhà khoa học rất tốt), nhưng người có bằng tiến sĩ thường chỉ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Văn bằng tiến sĩ thường thích hợp cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng, ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng những trường hợp như thế ngày càng hiếm. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng chỉ một số rất ít người có bằng tiến sĩ có thể trở thành giáo sư.
Nhận thức không đúng về ý nghĩa và mục tiêu đào tạo tiến sĩ dẫn đến một vấn đề lớn hơn: chất lượng đào tạo. Ngoại trừ một số ít chương trình đào tạo nghiêm túc, ấn tượng chung là cách thức đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam còn tồn tại khá nhiều vấn đề mang tính cơ cấu, quy trình, và học thuật.
Cơ cấu và mô hình đào tạo
Thứ nhất là vấn đề liên quan người hướng dẫn nghiên cứu. Ở Việt Nam, có quy định đơn giản như người có bằng tiến sĩ ba năm trở lên có thể hướng dẫn luận án tiến sĩ. Nhưng trong thực tế, mới có bằng tiến sĩ ba hay năm năm thì cũng mới ở giai đoạn hậu tiến sĩ, làm sao có thể hướng dẫn tiến sĩ (ngoại trừ người đó là một thiên tài, hay tiến sĩ ngoại hạng). Và cho dù đã tốt nghiệp tiến sĩ mười năm hay 20 năm mà không nghiên cứu khoa học thì không thể có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Lại có quy định với chức danh phó giáo sư hay giáo sư thì đủ tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ. Trong thực tế, những người có tư cách hướng dẫn nghiên cứu sinh không chỉ cần có chuyên môn cao, có tên tuổi trong chuyên ngành (qua công bố quốc tế), mà còn phải có chương trình nghiên cứu riêng. Không có chương trình nghiên cứu riêng, nghiên cứu sinh chẳng khác gì người lang thang trong rừng khoa học, mất định hướng nghiên cứu, loay hoay với những đề tài mang tính “me too” (bắt chước người khác một cách máy móc), không xứng với luận án tiến sĩ.
Thứ hai là mô hình và thời gian đào tạo. Đại đa số các chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là theo “mô hình tập trung”, nghiên cứu sinh phải dành toàn thời gian cho nghiên cứu tại một trung tâm khoa học. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn nghiên cứu sinh chỉ theo học bán thời gian. Họ làm việc toàn thời gian, và tiêu rất ít thì giờ cho việc nghiên cứu tại trung tâm họ ghi danh theo học! Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều nghiên cứu sinh phải “tự bơi”, rất ít khi nhận được hỗ trợ trực tiếp và có ý nghĩa từ người hướng dẫn. Có khi người hướng dẫn chỉ đứng tên, mà chẳng có đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ khoa học cho nghiên cứu sinh. Trong nhiều ngành, phần lớn nghiên cứu sinh chỉ hệ thống hoá những gì họ đang làm thường ngày thành một… luận án!
Thời gian đào tạo một tiến sĩ thường tốn khoảng bốn năm. Ở Úc, nếu học bán thời gian (số này rất ít) phải tốn từ 5 – 6 năm. Thế nhưng ở Việt Nam, có quy định nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ chỉ cần tiêu ra hai năm học tiến sĩ. Với một thời gian ngắn như thế, rất khó có thể đào tạo một tiến sĩ theo chuẩn mực mà quốc tế công nhận.
Nguyễn Văn Tuấn
(còn một kỳ)
Lịch sử văn bằng tiến sĩ
Tuy có danh chính thức là triết học (“doctor of philosophy” hay PhD) nhưng tiến sĩ không hẳn là người học về triết. Theo bộ luật La Mã, vào thời trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là “collegium”, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu “magistrates” (tạm dịch là “thầy”). Sau khi xong văn bằng bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình master hay doctor. Và sau khi đã xong chương trình học khoảng tám năm, một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors. Sự kết nạp này cũng là một “chứng chỉ” được hành nghề dạy đại học. Lúc bấy giờ, những danh xưng như master, doctor và professor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: hành nghề dạy học. Vào thế kỷ 13, những người dạy tại đại học Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên Âu châu, được gọi là doctor. Trong khi đó ở đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là master.
Ở Anh và Mỹ, văn bằng doctor sau này được đánh giá cao hơn master. Ở Anh, hai đại học Oxford và Cambridge được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của đại học Paris, do đó các nhà khoa bảng các môn văn hoá nghệ thuật thường được gọi là master, trong khi các đồng nghiệp của họ trong các môn học như triết, thần học, y học, và luật được gọi là doctor. Ngày nay, các tên bằng cấp như Master of Arts và Doctor of Philosophy có nguồn gốc từ sự phân chia này.
Phương Đông có văn bằng tiến sĩ từ lâu. Vào năm 1313 (triều đại nhà Tống – Trung Hoa), một cuộc thi tuyển đặt dưới sự chủ toạ của vua được tổ chức. Qua kỳ thi này, có 300 thí sinh được cấp danh hiệu tiến sĩ. 

7 comments:

  1. Ông NVT vẫn còn nhiều lấn cấn khi không hiểu ở VN có nhiều loại Tiến sĩ lắm. Ông không ở trong chăn mà ông cứ đòi chỉ chổ có rận:))
    Dù sao thì việc công nhận cái học vị TS ấy nó cũng nghiêm túc và minh bạch hơn nhiều mấy cái chức danh Phó Giáo sư , Giáo sư đó ông à !!!

    ReplyDelete
  2. Ngoài tài năng thì cần có một tấm lòng, cần có một sự tự trọng, nghiêm túc. Phải làm thế nào để tự mình không hổ thẹn với lương tâm , để đến khi già thấy lòng thanh thản rằng ta đã cố gắng hết sức với tất cả sự lương thiện của nó.
    http://annanguyen8.blogspot.com/2013/02/tien-si-noi-voi-thanh-tich-khoa-hoc.html

    ReplyDelete
  3. "Ở Việt Nam, có quy định đơn giản như người có bằng tiến sĩ ba năm trở lên có thể hướng dẫn luận án tiến sĩ. "
    Qui định là như thế, nhưng thực tế chỉ có những cơ sở đào tạo NCS hoặc giả tạo điều kiện giúp đỡ mới như thế. Trường hợp này hiếm gặp ở Việt Nam.

    ReplyDelete
  4. Ông NVT không thể đem ý tưởng của 1 vài người trong 1 tỉnh để áp đặt cho tất cả và cho rằng mục đích đào tạo TS là sai được!
    Ông có thể nêu ra ví dụ dẫn chứng rằng.có trường hợp....mà thôi!

    ReplyDelete
  5. Thế nhưng ở Việt Nam ngày nay, văn bằng tiến sĩ có khi trở thành một đề tài cho công chúng đàm tiếu. Tại sao người dân khinh thường tiến sĩ như thế?

    Không biết ông không có may mắn ra nước ngoài, không được xứ tư bỗn dãy chết ấy tạo điều kiện thì ông có thể nói như vậy được không nhỉ hở ông NVT?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như ông ấy đã là Giáo sư ...Đại giáo sư thì phải. Cách diễn đạt của ông hơi... thẳng một chút:)

      Delete
  6. Ông NVT nói: "Dân không trọng, quốc tế không công nhận "
    Trong câu này: vế thứ nhất mang tính " vơ đũa cả nắm",còn về thứ hai thì sai. Thực tế, bằng thạc sĩ ở VN được quốc tế công nhận để làm tiếp Tiến sĩ ở Úc, Pháp. Bằng Tiến sĩ được công nhận mới cho học bổng sau TS tại nước ngoài.

    ReplyDelete