Wednesday, May 22, 2013

Giáo dục từ gia đình


196636-120x80VRNs (21.05.2013) – Sài Gòn- Gia đình là tế bào cơ bản nhưng quan trọng trong xã hội. Nói chung, một gia đình “trọn vẹn” là gia đình có người cha, người mẹ và con cái. Cả ba nhân tố đó liên kết mật thiết thành một hạt nhân gia đình.


Nhưng trên thực tế, vì những hoàn cảnh khác nhau, có một số gia đình thiếu MỘT thành phần nào đó: Hoặc thiếu cha, hoặc thiếu mẹ, hoặc có thể thiếu con.


Về giáo dục gia đình, nhất thiết phải có con. Trách nhiệm đó thuộc về cả cha lẫn mẹ, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Cha hoặc mẹ đều có những yếu điểm và nhược điểm, sở trường và sở đoản.


Là cha thì phải nghiêm nghị và cương quyết, nhưng không được khắt khe kẻo con cái khiếp sợ. Là mẹ thì phải dịu dàng và chu đáo, chiều chuộng mà không nuông chiều để không hóa nhu nhược. Ở một mức độ và khía cạnh nào đó, hẳn là có tính lô-gích trong câu tục ngữ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.


Phụ nữ vốn dĩ “nặng tình cảm” nên rất dễ “bất lực” trước những “con ngựa chứng”. Cứ làm ngơ mãi, đứa con sẽ ỷ lại, nắm được nhược điểm của cha mẹ rồi làm nê, có thể có những “cú lừa” càng ngày càng ngoạn mục hơn. Từ điều nhỏ sẽ dần chuyển hóa thành điều lớn khó lường trước!


1. Người mẹ và con trai độc nhất.


Nó được mẹ nuông chiều từ nhỏ, thế nên nay đã là sinh viên mà vẫn không giúp mẹ làm được những việc vặt trong gia đình, thậm chí quần áo riêng cũng không tự giặt được. Tuy không hư hỏng hoặc đua đòi, và còn ảnh hưởng tính nhân từ của mẹ, như nó lại quá ích kỷ và coi trọng vật chất, cái gì cũng thích “dựa” vào người khác, học không giỏi hơn ai mà luôn tự coi mình là “cái rốn của vũ trụ”, suốt ngày chê người này hoặc trách người kia, tìm đủ lý do để biện hộ. “Vụng chèo, khéo chống”, tiền nhân nói vậy. Nó không có tính độc lập, không chịu nhận ra sự hữu hạn của mình, lúc nào cũng NẾU, VÌ, NHƯNG, TẠI, GIÁ MÀ,…


Được góp ý, người mẹ cũng công nhận mình biết mà không thay đổi được. Người mẹ này nhờ con làm việc này hay việc nọ, nhưng lại không đủ tin vào khả năng của con, sợ nó làm không “đạt”. Cứ vậy, nó càng được nê mà mất cả lòng tự tin. Cuối cùng, người mẹ này vẫn phải “nai lưng” làm mọi thứ từ A tới Z. Đó là tự làm khổ mình, mà cũng làm khổ cả đứa con, vì nó trưởng thành về thể lý mà không đủ trưởng thành về tâm lý.


Người mẹ này có thừa tính kiên nhẫn, chịu khó, vệ sinh và ngăn nắp, nhưng bà thiếu sự cương nghị. Nếu có được vẻ “cứng rắn” một chút, hẳn sẽ giáo dục con cái tốt hơn. Bà cũng đã từng là giáo viên, mà hình như bà chưa đủ sư phạm để giáo dục con cái phát triển toàn diện.


2. Người mẹ và con gái độc nhất.


Nó 7 tuổi mà mới học lớp Một. Nó lanh chanh, đanh đá, nghịch ngợm như con trai, nói trước quên sau, ham chơi, táy máy, chậm hiểu, lười biếng, xấc xược, và nhất là lì lợm “trên từng cây số”. Mới ít tuổi mà lúc nào cũng thích xài tiền, yêu sách đủ thứ. Là con gái nhưng nó có thể quăng xuống đất bất kỳ thứ gì khi nó không thỏa mãn. Thậm chí nó còn “lườm nguýt” và “liếc xéo” bất kỳ ai, dù người đó đáng tuổi ông bà của nó. Sự vâng lời của nó chỉ là “nịnh bợ” chứ không hề thật lòng.


Nhược điểm của người mẹ này là thương không đúng cách, nóng lên là dùng roi đánh con như đánh kẻ thù. Nhưng người mẹ tát bên này lại xoa bên kia, nó càng được đà lấn lướt. Nó có “thói quen” xin tiền vì người mẹ dễ dàng cho mà không cần biết nó có thực sự cần tiền hay không. Khi nó “nói leo”, nói láo, hoặc nói xẵng, người mẹ đã không chấn chỉnh kịp thời. Nó yêu sách nhưng người mẹ không hạn chế, cứ tưởng thỏa mãn nhu cầu của con (dù vô lý) là thể hiện yêu thương. Nó mặc sức bày đồ đạc bừa bộn mà người mẹ này không thẳng thắn dùng nghiêm luật.


“Cha sinh con, trời sinh tính”, đó là một cách nói chứ không là một quy luật bất biến hoặc một hằng số. Nếu cứ “phó mặc” như vậy thì đâu cần giáo dục. Tục ngữ Anh có câu: “Nurture is stronger than nature” (Giáo dục thắng thiên tính). Thật vậy, giáo dục rất quan trọng. Và sự giáo dục bắt đầu từ người mẹ.


Với bản tính sẵn có của phụ nữ, người mẹ cần kết hợp thêm với tính nghiêm nghị, dứt khoát, cương quyết và điềm đạm – nhất là những người mẹ đơn thân, để khả dĩ giáo dục đúng mức. Cần thì cũng phải nghiêm trị để đứa con nhận ra sai lầm mà sửa chữa. Nhớ đó, người mẹ có thể làm trọn trách nhiệm phụ huynh, và đứa con cũng không lỗi đạo, đồng thời sống hữu ích cho chính bản thân trước, rồi mới hữu ích cho gia đình, xã hội, đất nước, và cho cộng đồng nhân loại.


Đôi khi cần khuyến khích, nhưng cũng nên cẩn trọng, vì khen quá làm hư tinh thần, khiến con cái ảo tưởng, nuông chiều quá làm hư ý chí. Con cái có thể là phần thưởng hoặc hình phạt đối với cha mẹ là tùy vào cách giáo dục của gia đình!

TRẦM THIÊN THU

About these ads

No comments:

Post a Comment