Một sinh viên cho biết: “Theo quyết định mới nhất,
trường đã bất ngờ thu 190.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 285.000 đồng/tín
chỉ thực hành”.
Tăng bất ngờ
Theo thông báo ngày 6-5 của Trường ĐH Công nghiệp
TP.HCM về việc đăng ký học phần và đóng học phí áp dụng cho học kỳ 1 năm
học 2013-2014, thời gian đăng ký học phần từ ngày 1 đến 22-6, thời gian
rút bớt các học phần đã đăng ký từ ngày 23-6 đến 1-7.
Thời gian đóng học phí đợt 1 (từ ngày 24-6 đến 14-7) và đợt 2 (15 đến 25-7). Những học phần sinh viên đã đăng ký lần 2 mà không đóng phí sau khi hết hạn đóng học phí lần 2 thì phần mềm sẽ xóa tên khỏi danh sách lớp học phần và được xử lý theo quy chế học vụ.
Thời gian đóng học phí đợt 1 (từ ngày 24-6 đến 14-7) và đợt 2 (15 đến 25-7). Những học phần sinh viên đã đăng ký lần 2 mà không đóng phí sau khi hết hạn đóng học phí lần 2 thì phần mềm sẽ xóa tên khỏi danh sách lớp học phần và được xử lý theo quy chế học vụ.
Điều đáng nói, trong thông báo này nhà trường không cho
biết mức học phí đã được điều chỉnh tăng. Nhiều sinh viên khoa kế toán -
kiểm toán bức xúc: “Nhà trường bất ngờ tăng học phí nhưng không thông
báo cho sinh viên biết. Đến khi đóng học phí sinh viên mới biết học phí
tăng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo nhà
trường, - mức học phí trường thu là mức được áp dụng trong học kỳ I của
năm học 2013-2014. Theo quy định tại nghị định 49 của Chính phủ về miễn,
giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối
với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mức học phí của
năm học tới sẽ được điều chỉnh tăng lên 565.000 đồng/tháng/sinh viên.
“Hiện tại nhà trường quy định một năm học có ba học kỳ trong 10 tháng.
Học phí đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của một tín chỉ được xác
định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào
tạo và số tín chỉ đó theo công thức: học phí tín chỉ = tổng học phí toàn
khóa chia cho tổng số tín chỉ toàn khóa. Tổng học phí toàn khóa = mức
thu học phí 1 sinh viên/ tháng x 10 tháng x số năm học. Từ đó quy ra
188.000 đồng/tín chỉ, nhà trường thu tròn 190.000 đồng/tín chỉ” - ông
Minh giải thích.
Để dẹp cảnh “một sinh viên thực tập, hơn chục sinh viên đứng nhìn”
Thực tế nhà trường không chỉ thu một mức 190.000
đồng/tín chỉ mà quy định loại: 190.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 285.000
đồng/ tín chỉ thực hành. “Một tín chỉ thực hành được xác định mức chênh
lệch từ 1,5-2 tín chỉ học phí (lý thuyết). Trước đây, trường không thu
theo cách này nên rất khó khăn. Nhà trường phải tự lo toàn bộ tiền
nguyên vật liệu phục vụ thực hành cho sinh viên nên phải bù lỗ rất
nhiều. Nếu áp dụng một mức học phí chung cho cả lý thuyết và thực hành
thì trong giờ thực hành chỉ một sinh viên làm, còn hơn chục sinh viên
khác đứng nhìn” - ông Minh cho biết.
Trong khi đó, theo nghị định 49, học phí được thu định
kỳ hằng tháng. Mức thu học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục
đại học công lập được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo
giữa Nhà nước và người học. Theo đó, mức trần học phí đối với đào tạo
trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương
trình đại trà từ năm học 2013-2014, cụ thể: khoa học xã hội, kinh tế,
luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1) 4,85 triệu đồng/năm; khoa học tự
nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du
lịch (nhóm 2) 5,65 triệu đồng/năm...
Hiện nay, đối với các trường tổ chức đào tạo theo học
chế tín chỉ, việc đóng học phí theo số tín chỉ đăng ký thực học của sinh
viên. Mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu
học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó,
theo nguyên tắc đảm bảo không vượt quá mức trần học phí quy định.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là trường
đào tạo đa ngành nhưng chỉ áp dụng đánh đồng một mức thu học phí chung
cho tất cả ngành học theo mức đóng của nhóm 2. Điều này đồng nghĩa với
việc sinh viên các ngành thuộc nhóm 1 phải chịu mức học phí cao vượt
trần rất nhiều lần.
TRẦN HUỲNH
TTO trích đăng bức thư của SV gửi về Báo Tuổi Trẻ
Thầy hiệu trưởng kính mến!
Cháu sinh ra trong một gia đình thuần nông tại
Quảng Ngãi, bố cháu là thợ xây, mẹ cháu là nông dân. Cuộc sống không khá
giả nhưng cũng không quá nghèo khổ, nói chung là chỉ đủ trang trải
những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Tất cả tình yêu thương ba
mẹ cháu đều dành cho các con. Ba mẹ cháu chưa bao giờ dám nghĩ tới việc
đi chơi đây đó hay mua một thứ gì xa xỉ.
Gia đình cháu có sáu người gồm ba mẹ, ba anh trai
và cháu. Cuộc sống gia đình tuy không đầy đủ nhưng rất ấm cúng và hạnh
phúc. Khi cháu bước chân vào đại học cũng chính là lúc kinh tế gia đình
đi xuống, cháu biết điều đó nhưng không thể làm gì hơn, chỉ biết cố gắng
học để nhanh chóng ra trường đi làm phụ giúp ba me. Các anh trai cháu
cũng đang trong thời gian đi tìm việc, vì điều kiện không cho phép nên
các anh cháu chỉ học đến trung cấp và việc tìm việc trở nên khó khăn hơn
bao giờ hết. Do đó các anh của cháu cũng không phụ giúp gì nhiều.
Khó khăn đến vậy nhưng không bao giờ ba mẹ cháu
than thở hay ngăn cấm việc học của con cái mình. Mỗi lần ba mẹ gửi tiền
vào, ba mẹ luôn gọi hỏi cháu có nhận được chưa, luôn động viên cháu học
tốt. Những lúc như thế cháu biết ba mẹ phải ăn uống tằn tiện thế nào để
gom góp cho cháu và có khi phải đi vay nặng lãi. Vâng, cháu thật sự biết
ơn ba mẹ cháu. Họ là những người tuyệt vời nhất thế gian.
Khi có chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay tiền của
Nhà nước (8 triệu đồng/một năm) thì có vẻ như ba mẹ cháu có thể đỡ hơn.
Nhưng không, thưa cô chú, học phí một năm của cháu đã hơn 7 triệu/ năm.
Như vậy số tiền đó chỉ đủ để trang trải học phí thôi, còn tiền sinh
hoạt hằng ngày, tiền làm đề tài nghiên cứu khoa học…. là cả một vấn đề
lớn.
Với vài sào ruộng, mẹ cháu luôn là người phụ nữ
giỏi nhất. Mẹ cháu thức dậy vào lúc gà gáy và kết thúc vào lúc đêm
khuya. Bà phải quán xuyến mọi công việc trong nhà, từ việc nấu ăn, nuôi
lợn, chăn bò, rồi đi trồng rừng, đi cấy thuê…. Mỗi khi mưa bão về thì bà
phải đội dông bão để chăm lo cho từng sào ruộng, từng con gà, con lợn….
và khi mất mùa do bão, mẹ cháu chỉ biết kêu trời.
Cho đến giờ mẹ cháu đã chắt chiu tất cả cho chúng
cháu, mẹ cháu không còn dáng dấp của một người phụ nữ bốn mươi nữa, trán
mẹ đã hằn nhiều nếp nhăn, bàn tay mẹ thô ráp và nhiều xương. Nắm bàn
tay mẹ, lòng cháu đau nhói.
Ba cháu là thợ xây. Những lúc còn ở quê, cháu
thường đi phụ hồ với ba để có thêm thu nhập. Và những lúc như thế cháu
mới biết công việc đó cực nhọc như thế nào. Ba cháu bắt đầu một
ngày vào lúc sáu giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều. Khi về tới
nhà, ông lại lên trang trại nhỏ của gia đình cháu (gọi là trang trại
nhưng thực chất nó chỉ có vài con gà, lèo tèo vài con lợn và một con bò
già). Ông phải cho chúng ăn, rồi nhốt chúng lại. Sau đó ông mới về nhà
và dùng bữa tối, đến 21 giờ ông lại quay lại lên trang trại để ngủ đến
sáng.
... Nhưng giờ đây, thưa thầy, một sự thật
mà cháu phải chấp nhận đó là học phí tăng cao. Đồng nghĩa ba mẹ cháu sẽ
có nhiều phương án lựa chọn hơn cho cháu. Một là ba mẹ cháu phải còng
lưng làm nhiều hơn nữa, phải nuôi thêm nhiều gà, nhiều lợn hơn nữa. Hai
là bán những thứ còn lại trong nhà đi như xe máy - phương tiện và là kế
sinh nhai của ba, chiếc xe đạp - phương tiện đi lại của mẹ…. Ba là cháu
phải nghỉ học.
Đúng, cháu có thật nhiều phương án để lựa chọn. Và
cháu chắc có lẽ thầy rất thích thú với điều này? Thật sự cháu không thể
hiểu nổi tại sao ngay từ khi cháu nhập học vào trường này, các thầy cô
không nói rõ là một năm sẽ tăng học phí một lần, mà chỉ ca ngợi trường
này đến tận mây xanh nào là giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt nhất thành
phố, nào là phòng học đầy đủ tiện nghi… và giờ đây có lẽ những điều này
chỉ có trong mơ mà thôi.
Thưa thầy, chỉ một lần duy nhất, thầy thử là một
sinh viên và ngồi vào phòng học của các lớp để cảm nhận cái chất lượng
mà chính các thầy đã ca ngợi. Đặc biệt, xin thầy hãy đi vào các tiết từ
4-6, tiết 7-9 và ngồi vào các lớp ở dãy nhà T, nhà A, nhà D. Cháu chắc
chắn thầy sẽ bị đổ mồ hôi như tắm, người thì nóng rừng rực, đầu óc thì
quay cuồng.
Và khi bước ra khỏi lớp thầy sẽ mừng vì vừa thoát
khỏi địa ngục "nóng". Cháu không có ý mời thầy đi để thầy bị hành hạ như
thế, chỉ là cháu muốn thầy biết rằng việc tăng học phí của thầy là vô
nghĩa đối với việc chất lượng dạy và học sẽ tăng cao theo đúng nghĩa như
các thầy nói.
Vậy việc tăng học phí mỗi năm một lần như thế này
thì có lợi ích như thế nào và cho ai? Cháu chắc rằng câu hỏi này chỉ có
thầy mới trả lời được mà thôi.
Vì thế đại diện cho các bạn, cháu viết lá thư này
gửi đến thầy hi vọng sẽ có chút thay đổi cho tương lai của sinh viên
trường mình cũng như tương lai của trường ạ.
Xin cảm ơn thầy đã dành thời gian để đọc thư của cháu!
T.D (SV của trường)
Tin bài liên quan
- Học phí các hệ đào tạo khác cũng tăng “chóng mặt” (03/06)
- Sự lựa chọn... không hoàn hảo (03/06)
- Thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường thu học phí vượt trần (02/06)
- Sinh viên Tiền Giang chưa nhận được tiền hỗ trợ học phí (31/05)
- Nghiên cứu giao trường ĐH xác định mức học phí (30/05)
Lời nói không đi đôi với việc làm! Phản giáo dục !
ReplyDeleteEm cũng thấy tội các em sinh viên và gia đình họ quá, các thầy có còn chút lương tâm nào không ?
ReplyDelete