Friday, July 19, 2013

“Bệ phóng” cho nhân tài

“Bệ phóng” cho nhân tài  
Các HS ở trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La đã có mặt từ 5h sáng ngày 16.7 tại sân bay để đón Ngô Phi Long trở về. Ảnh: VOV.

“Bệ phóng” cho nhân tài

(LĐ) - Số 162 - Thứ tư 17/07/2013 08:41

Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tại Đan Mạch đã mang lại vinh dự rất lớn cho đất nước. Cả 5 em thi đấu đều có huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng của em Bùi Quang Tú - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và Ngô Phi Long - Trường THPT chuyên Sơn La.

Tất cả các em đều xứng đáng được tôn vinh, nhưng điều cần hơn sự tôn vinh vui vẻ chóng qua là một “bệ phóng” cho nhân tài, để các em có thể bay cao, bay xa đến các chân trời khoa học, làm được nhiều điều cho bản thân, đất nước và có thể là cho nhân loại. Chúng ta còn đó tấm gương của cựu huy chương Vàng Olympic Toán học Ngô Bảo Châu năm xưa, nếu không được đào tạo trong các trường phái toán học đỉnh cao của Pháp, Mỹ thì sẽ khó có thể có một Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải Fields hôm nay.
Việt Nam tự hào là quốc gia hiếu học, cha ông dựng bia tiến sĩ cũng là một sự thể hiện việc trọng dụng hiền tài. Nhưng muốn có hiền tài để trọng dụng thì phải có sự nuôi dưỡng, có thể chưa đủ sức để nuôi dưỡng nhiều người, nhưng sự sàng lọc trên đấu trường quốc tế đã chọn lọc được một ít người, lẽ nào không nuôi nổi. Nếu các em có được học bổng ở các trường nổi tiếng trên thế giới thì rất tốt, còn không thì nước mình, dân mình bỏ tiền ra nuôi các em ăn học. Trở lại chuyện của kỳ thủ Lê Quang Liêm một chút để liên tưởng, Trường Đại học Webster của Mỹ đã thắng rất lớn khi cấp học bổng cho Liêm, bởi vì ngay sau đó bạn đã giật chức vô địch Giải cờ chớp thế giới.

Có thể so sánh nào cũng dễ khập khiễng, nhưng đôi khi cũng nên có sự so sánh để có cái nhìn toàn diện hơn trong chiến lược đầu tư cho tài năng. Chúng ta nghe nói quá nhiều về các chương trình tài trợ hàng tỉ đồng, thậm chí  cả chục tỉ đồng cho những hoạt động vui chơi, giải trí, hoa khôi, hoa hậu bốn phương, nhưng quá ít (hình như chưa) có một chương trình tài trợ nào từ cộng đồng với mục đích đầu tư cho những “hạt giống” khoa học. Điều này bắt buộc mọi người cùng suy nghĩ lại về tinh thần hiếu học và trọng người hiền tài của chính ngày hôm nay.

Một đất nước chỉ đi mua công nghệ và bán sức lao động là vì khoa học kỹ thuật không phát triển. Chuyện này ai cũng biết, nhưng nó vẫn tồn tại nhiều thập kỷ chưa cải thiện được. Có nhiều cách để loại bỏ chuyện buồn muôn thuở: “Lấy công làm lãi, làm thuê, làm gia công” cho nước ngoài và một trong những cách cần làm ngay là phải có những chính sách kịp thời làm “bệ phóng” cho nhân tài của quốc gia, mà các học sinh giật giải ở các cuộc thi quốc tế là một điển hình.

No comments:

Post a Comment