Tuesday, September 17, 2013

Niềm tin của tôi về giáo dục – John Dewey, Cao Hùng Lynh (trích dịch)


I. Giáo dục là gì
Tôi tin rằng
  • giáo dục luôn diễn ra bằng sự dự phần của cá nhân trong ý thức xã hội về con người. Tiến trình này khởi đầu một cách vô thức khi một người vừa chào đời, và sẽ liên tục vun đắp năng lực cá nhân, hình thành thói quen, tạo ra ý tưởng, và khơi dậy xúc cảm. Thông qua sự giáo dục vô thức này, cá nhân dần dần sẽ đi đến việc đóng góp vào kho tàng tri thức và luân lý, mà nhờ vào đó, nhân loại đã thành công trong việc chung sống với nhau. Khi ấy, cá nhân sẽ trở thành kẻ thừa kế số vốn tích lũy của nền văn minh. Nền giáo dục chính thống không thể nào đi chệch khỏi tiến trình chung này một cách an toàn được. Chỉ có thể sắp xếp hoặc nhận diện nó theo một chiều hướng chuyên biệt nào đó.
  • nền giáo dục đích thực là nền giáo dục khuyến khích mọi năng lực của đứa trẻ, thông qua sự đòi hỏi của hoàn cảnh xã hội, mà trong đó đứa trẻ luôn tìm được chính mình. Trước sự đòi hỏi này, đứa trẻ được khích lệ để có thể hành xử như là một thành viên đơn nhất, lộ diện từ tính cách độc đáo trong hành động và cảm xúc của chính nó, và nhận biết được mình từ quan điểm lợi ích của tập thể mà nó thuộc về. Thông qua những phản ứng mà người khác gây ra cho các hành vi của chính nó, nó sẽ đi đến sự hiểu biết ý nghĩa của các hành vi trong mối tương giao xã hội. Giá trị mà các hành vi này hàm chứa sẽ thể hiện ý nghĩa của chúng. Ví dụ như, qua phản ứng đối với các tiếng bập bẹ có tính chất bản năng của đứa trẻ, nó dần dần biết được những tiếng bập bẹ ấy mang ý nghĩa như thế nào; sau đó, chúng được chuyển thành một dạng ngôn ngữ lưu loát, để rồi từ đó, đứa trẻ được dẫn dắt vào thế giới liên kết giữa ý niệm và cảm xúc, mà giờ đây đã được cô đọng bằng ngôn ngữ.
  • tiến trình giáo dục này gồm hai khía cạnh – một có tính chất tâm lý và một có đặc tính xã hội – và không cái nào có thể bị xem là kém quan trọng hơn, hoặc bị bỏ qua, mà không đưa đến những hệ lụy tồi tệ. Trong cả hai, khía cạnh tâm lý là nền tảng. Bản năng và khả năng của đứa trẻ sẽ cung cấp chất liệu và tạo ra xuất phát điểm cho mọi hình thức giáo dục. Khi nhà giáo dục luôn cố công tác động đến một hành vi nào đó mà đứa trẻ tự mình thực hiện một cách độc lập, thì giáo dục chỉ sẽ trở thành một áp lực. Thực ra, nhìn bề ngoài, điều ấy cũng mang lại một số kết quả, nhưng chắn chắn không thể gọi đó là giáo dục. Không có cái nhìn sâu thẳm vào bên trong cấu trúc tâm lý và các hành vi cá nhân, thì giáo dục sẽ trở nên bừa bãi và độc đoán. Nếu giáo dục có cơ hội đồng bộ và tương thích với hoạt động của đứa trẻ, nó sẽ có tác dụng của chiếc đòn bẩy làm cho tinh thần đứa trẻ thăng hoa; trái lại, nó sẽ mài mòn, phá hủy và kềm hãm bản chất hồn nhiên của trẻ.
  • hiểu biết về hoàn cảnh xã hội, về tình trạng hiện tại của nền văn minh xem ra rất cần thiết để giải thích khả năng của trẻ. Đứa trẻ luôn có những khuynh hướng và hành vi bản năng riêng biệt, nhưng chúng ta thường không biết ý nghĩa của chúng, cho đến khi chúng ta có thể diễn dịch chúng thành những khái niệm xã hội tương ứng. Chúng ta phải có khả năng mang chúng về một bối cảnh dĩ vãng nào đó và xem chúng như là sự kế thừa của các hành vi nòi giống trước đó. Chúng ta phải có thể phóng chúng vào tương lai để nhìn thấy được hậu quả và mục đích của chúng là gì. Trong ví dụ minh họa dẫn thượng, thông qua những lời bập bẹ của đứa trẻ, chính khả năng nhận biết triển vọng và uy lực của cuộc đối thoại và mối tương giao xã hội tương lai đã khiến người ta có thể quan tâm đến bản năng của trẻ bằng một phương cách thích hợp.
  • khía cạnh xã hội và tâm lý luôn có mối tương quan đặc biệt với nhau, và giáo dục không thể được xem như là sự thỏa hiệp giữa hai khía cạnh đó, hoặc là sự đề cao một trong hai khía cạnh. Chúng ta thường được bảo rằng định nghĩa của tâm lý học về giáo dục rất khô khan và kinh viện – nó chỉ mang lại cho chúng ta ý niệm về sự phát triển nào đó của năng lực tinh thần, nhưng lại không đưa đến bất cứ ý niệm gì về sự khả dụng của các năng lực này. Bên cạnh đó, người ta thuyết phục rằng định nghĩa xã hội về giáo dục, khi được điều chỉnh cho phù hợp với nền văn minh, sẽ biến giáo dục thành một tiến trình hời hợt và gượng gạo; từ đó đưa đến hệ quả là sự tự do cá nhân bị lệ thuộc vào các định kiến chính trị và xã hội.
  • cả hai ý kiến phản đối nói trên đều đúng, một khi khía cạnh này được đặt biệt lập với khía cạnh kia. Để thực sự biết năng lực là gì, ta phải hiểu rõ mục đích, công dụng hoặc chức năng của nó, và sẽ không thể thấu đạt điều này, trừ khi chúng ta quan niệm cá nhân như là một thực thể chủ động trong các quan hệ xã hội. Song song với đó, sự điều chỉnh hợp lý duy nhất mà ta có thể mang lại cho đứa trẻ trong những hoàn cảnh hiện tồn chỉ là sự điều chỉnh xuất phát từ việc để cho đứa trẻ được sử dụng toàn bộ năng lực của nó. Với sự xuất hiện của thể chế dân chủ và các yếu tố kỹ nghệ hiện đại, không thể tiên liệu chính xác nền văn minh nào sẽ chi phối xã hội trong vòng hai mươi năm tới kể từ bây giờ. Vì lẽ đó, cũng không thể chuẩn bị sẵn cho trẻ con những điều kiện chu toàn nào cả. Sửa soạn hành trang vào đời tức là trao cho đứa trẻ quyền làm chủ chính bản thân nó; điều đó có nghĩa phải huấn luyện đứa trẻ ấy mai này sẽ sử dụng trọn vẹn mọi khả năng có thể có của mình; đôi mắt, đôi tay của nó phải là những công cụ đắc dụng; óc xét đoán của nó phải có thể thông hiểu hoàn cảnh làm việc, và mọi sức mạnh phải được rèn luyện để hành động một cách hiệu quả và kinh tế. Không thể nào đạt được tất cả những điều này, nếu không có mối quan tâm kiên định đến năng lực, thị hiếu và sở thích cá nhân; nói cách khác, nếu giáo dục không liên tục biến đổi thành các biện pháp tâm lý.
Tóm lại, tôi tin rằng cá nhân – kẻ được giáo dục – là một cá thể mang tính xã hội, và xã hội là một tập hợp mang tính hữu cơ của nhiều cá nhân. Nếu chúng ta loại trừ yếu tố xã hội ra khỏi đứa trẻ, chúng ta chỉ còn lại một cá thể trừu tượng, lạc lõng; nếu chúng ta tách yếu tố cá nhân ra khỏi xã hội, chúng ta chỉ còn lại một đám đông ù lì và tẻ nhạt. Giáo dục, vì thế, phải khởi hành từ một cái nhìn tâm lý thấu suốt đối với khả năng, sở thích và thói quen của đứa trẻ. Những khả năng, sở thích và thói quen này phải không ngừng được giải thích tỏ tường – nghĩa là chúng ta phải biết chúng là gì. Chúng phải được diễn dịch thành ngôn ngữ của khái niệm xã hội tương ứng – ngôn ngữ của những gì có ích cho sự phục vụ xã hội.
II. Trường học là gì?
Tôi tin rằng
  • trường học, trước hết, là một thiết chế xã hội. Vì giáo dục là một tiến trình xã hội, nên trường học đơn giản chỉ là một mô thức của đời sống cộng đồng, trong đó mọi hoạt động được tập trung nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất trong việc chia sẻ cho đứa trẻ di sản tri thức nhân loại và làm cho nó có thể sử dụng khả năng của mình vào các mục đích xã hội.
  • do đó, giáo dục là một hoạt động của cuộc sống, chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai.
  • trường học phải là mẫu mực cho đời sống hiện tại – một đời sống chân thực và sinh động đối với đứa trẻ, giống như đời sống mà nó vẫy vùng tại gia đình, nơi xóm giềng, hay chỗ vui chơi.
  • nền giáo dục mà không nảy sinh từ mọi hình thức của cuộc sống, và vì mục đích của cuộc sống, chỉ là vật thay thế nghèo nàn của thực tế chân xác và có khuynh hướng bó buộc, câu thúc và u mê.
  • trường học nên đơn giản hóa đời sống xã hội hiện tại và tiết giảm nó về một hình thức phát triển chân phương thuở ban sơ. Cuộc sống hiện hoạt vốn quá phức tạp, khiến không thể mang đứa trẻ tiếp xúc với cuộc sống hiện tại mà không tránh khỏi sự nhầm lẫn, hoang mang; đứa trẻ hoặc sẽ bị chôn vùi, lấn áp bởi vô số hoạt động đang diễn ra, để rồi bị mất khả năng ứng phó thích hợp, hoặc bị kích động bởi những hoạt động đa dạng này, khiến cho mọi năng lực bị thúc bách phát triển quá sớm và đứa trẻ sẽ hoặc trở nên già trước tuổi, hoặc bị nghiền nát.
  • đời sống học đường – đời sống xã hội đã được đơn giản hóa – nên từng bước phát triển dựa trên đời sống gia đình; nhà trường phải gánh vác và duy trì các hoạt động mà đứa trẻ đã hết sức quen thuộc khi còn sống với gia đình.
  • nhà trường nên bày biện và mô phỏng các hoạt động ấy cho đứa trẻ theo cách thức khiến nó có thể dần dần học được ý nghĩa của chúng, và có khả năng đóng tròn vai trò của nó trong mối tương quan với các hoạt động ấy.
  • đây là một nhu cầu tâm lý thiết yếu, bởi vì đó là phương cách duy nhất để bảo vệ sự phát triển không gián đoạn của đứa trẻ và để xây dựng một nền tảng kinh nghiệm quá khứ cho những ý tưởng mới được cung cấp bởi nhà trường.
  • ngoài ra, đó còn là một nhu cầu xã hội thiết yếu, bởi vì gia đình là một hình thức của đời sống xã hội, trong đó đứa trẻ được dưỡng nuôi, chăm sóc, và thụ nhận những bài học luân lý. Trách nhiệm của nhà trường là tăng cường và mở rộng cảm quan của đứa trẻ về các giá trị sẵn có trong đời sống gia đình của nó.
  • đa phần công cuộc giáo dục hiện tại đã bị thất bại, bởi vì không chú ý đến nguyên tắc cơ bản: nhà trường phải được xem là một mô thức của đời sống cộng đồng. Nền giáo dục thất bại ấy quan niệm nhà trường là nơi một khối lượng thông tin nào đó được cung cấp, nơi một số bài học nào đó được giảng dạy hoặc nơi một vài thói quen được hình thành. Giá trị của những điều này chỉ được cảm nhận trong một tương lai xa xôi; đứa trẻ phải thi hành chúng vì lợi ích của một điều khác mà chúng sẽ thực hiện; chúng đơn thuần chỉ là những sự chuẩn bị. Hậu quả là chúng không trở thành một bộ phận thuộc kinh nghiệm sống của đứa trẻ và do đó không thực sự có tính chất giáo dục.
  • giáo dục luân lý luôn lấy ý niệm trường học là một khuôn mẫu của đời sống xã hội làm trung tâm. Sự rèn luyện luân lý sâu sắc nhất và hiệu quả nhất, nói một cách chính xác, là cái mà người ta trải qua khi phải dấn sâu vào các mối quan hệ đúng khuôn phép với kẻ khác trong sự thống nhất bằng hành động và ý nghĩ. Các hệ thống giáo dục hiện nay, khi phá hủy hoặc xao lãng sự thống nhất này, khó có thể, hoặc không thể tạo được sự rèn luyện luân lý chân thực và thường xuyên.
  • trẻ con nên được khuyến khích và điều khiển thông qua sinh hoạt cộng đồng.
  • trong hoàn cảnh hiện nay, có quá nhiều sự khuyến khích và điều khiển xuất phát từ phía người thầy, bởi vì có sự xao lãng đối với quan niệm xem trường học là một mô thức của đời sống xã hội.
  • địa vị và công việc của người thầy trong nhà trường phải được hiểu là hoàn toàn giống nhau. Người thầy hiện diện trong học đường không phải để áp đặt ý tưởng hay hình thành thói quen nào đó cho đứa trẻ, mà người thầy hiện diện chốn này với tư cách một thành viên của cộng đồng để chọn lọc những tác động có ảnh hưởng đến đứa trẻ và trợ giúp nó ứng phó một cách thích hợp với các tác động ấy.
  • kỷ luật học đường nên bắt nguồn từ sự hoạt động của nhà trường và không nên từ chính ông thầy.
  • việc của người thầy đơn giản chỉ là quyết định, dựa trên nền tảng kinh nghiệm và sự hiểu biết chín chắn, kỷ luật sẽ được áp dụng cho đứa trẻ như thế nào.
  • tất cả các vấn đề xếp loại và ban khen nên được định đoạt bằng một tiêu chuẩn nhất quán. Thi cử chỉ có tác dụng trắc nghiệm đến một mức độ nào đó khả năng thích ứng của đứa trẻ với đời sống xã hội, và để phát hiện lãnh vực nào nó thực hiện hoàn hảo nhất và lãnh vực nào nó cần có sự trợ giúp chu đáo nhất.
III. Chủ đích của giáo dục
Tôi tin rằng
  • đời sống xã hội của đứa trẻ là nền tảng trọng tâm trong toàn bộ quá trình rèn luyện và phát triển của nó. Đời sống xã hội mang lại sự hòa hợp vô thức và cơ sở cho mọi nỗ lực và thành tựu của đứa trẻ.
  • chúng ta xâm phạm bản chất của đứa trẻ và đẩy các thành quả luân lý tốt đẹp vào một tình trạng khó khăn bằng cách đột ngột buộc trẻ phải tiếp nhận một số lượng lớn các môn học không liên quan đến đời sống xã hội.
  • trọng tâm đích thực trong mối tương quan giữa các môn học không phải là khoa học, văn chương, lịch sử hay địa lý, mà là các hoạt động xã hội của đứa trẻ.
  • không thể đồng nhất giáo dục với nghiên cứu khoa học, hay với cái được gọi là nghiên cứu thiên nhiên, bởi vì nếu tách khỏi các hoạt động của con người, thiên nhiên tự thân không còn là một thực thể trọn vẹn; thiên nhiên, về bản chất, bao gồm các vật thể khác nhau trong không gian và thời gian, và cố gắng biến nó thành trung tâm của công tác giáo dục chỉ là giới thiệu một nguyên tắc phân tán hơn là tập trung.
  • văn học là sự bộc tả và diễn giải có tính chất phản ánh kinh nghiệm xã hội; vì thế, nó phải đến sau và là hệ quả của kinh nghiệm; do đó, không thể là nền tảng của giáo dục.
  • lịch sử có giá trị giáo dục ở khía cạnh trình bày các giai đoạn của đời sống và sự phát triển xã hội. Nó phải chịu sự chi phối của đời sống xã hội. Khi được xem là lịch sử, nó bị ném vào dĩ vãng xa xăm và trở nên thiếu sinh lực và trì trệ. Khi được xem như là sự ghi chép lại đời sống xã hội và sự phát triển của con người, nó trở nên tràn đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi tin rằng nó không thể được nhìn nhận như thế, trừ phi đứa trẻ cũng được thâm nhập vào đời sống xã hội.
  • nền tảng quan trọng của giáo dục nằm ở năng lực làm việc của đứa trẻ, cùng với những hoạt động hữu ích có tính cách phổ biến, tương tự những gì đã làm cho nền văn minh được sinh tồn.
  • cách thức duy nhất để khiến đứa trẻ ý thức được di sản xã hội của nó là cho phép nó thực hiện các loại hoạt động nền tảng đó – tức là những hoạt động làm cho nền văn minh được trở thành cái nó hiện là.
  • nghiên cứu khoa học chỉ có tính chất giáo dục khi đưa ra được những thông tin và quy trình làm cho đời sống xã hội được trở thành cái mà nó hiện là.
  • một trong những điều khó khăn lớn nhất của việc huấn giảng khoa học hiện nay là thông tin được trình bày bằng một hình thức hoàn toàn khách quan, hoặc được xử lý như là một dạng kinh nghiệm mới lạ mà đứa trẻ có thể bổ sung vào kinh nghiệm sẵn có của mình. Trên thực tế, khoa học có giá trị, bởi vì nó mang lại khả năng giải thích và điều khiển kinh nghiệm sẵn có. Nó nên được giới thiệu không phải như là một đề tài mới, mà như là việc trình bày các yếu tố có liên quan đến những kinh nghiệm trước đó, và như là những công cụ mà nhờ vào đó, kinh nghiệm có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
  • cho đến nay, chúng ta đã đánh mất quá nhiều giá trị của các môn văn học và ngôn ngữ do sự loại bỏ yếu tố xã hội. Ngôn ngữ, trong các giáo trình, hầu như luôn được đối xử như là một phương tiện diễn đạt của tư tưởng. Thật ra, ngoài việc là một công cụ thuần lý, ngôn ngữ, một cách căn bản và chủ yếu, còn là một công cụ xã hội. Ngôn ngữ được sử dụng cho mục đích giao tiếp, và là phương tiện, thông qua đó, mỗi cá nhân có thể chia sẻ ý tưởng và xúc cảm với người khác. Khi được đối xử như là một cách tiếp nhận thông tin, hoặc là phương thức phô bày những điều đã học, nó đã bị mất động cơ và cứu cánh xã hội.
  • bởi vậy, sẽ không có sự xếp hàng các môn học trong một chương trình giảng dạy lý tưởng. Nếu giáo dục đồng nghĩa với cuộc sống, thì cuộc sống, ngay từ khởi điểm, phải mang một yếu tố khoa học nào đó, một yếu tố của nghệ thuật và văn hóa, và một yếu tố của sự truyền thông. Cho nên, không thể đối với cấp lớp này, thì các môn học thích hợp chỉ là tập đọc và tập viết, và khi đến một cấp lớp cao hơn, thì thêm vào văn chương hoặc khoa học. Sự tiến bộ không nằm ở việc xếp hàng các môn học, mà nằm ở sự phát triển của các quan điểm và mối quan tâm mới đối với kinh nghiệm.
  • giáo dục phải được quan niệm như là một sự tái thiết kinh nghiệm liên tục; quy trình và mục đích của giáo dục là một và hoàn toàn như nhau.
  • dựng lên bất cứ mục đích nào ngoài giáo dục có nghĩa là tước đi phần lớn ý nghĩa của tiến trình giáo dục và khiến chúng ta có khuynh hướng dựa dẫm vào những tác động kích thích giả tạo bên ngoài trong sự hành xử giành cho đứa trẻ.
IV. Bản chất của phương pháp
Tôi tin rằng
  • vấn đề phương pháp cuối cùng chỉ là vấn đề thứ tự phát triển của khả năng và lợi ích của đứa trẻ. Quy luật để trình bày và thảo luận vấn đề ở đây chính là quy luật ẩn tàng trong bản chất trẻ con. Vì thế, tôi tin những lời phát biểu sau đây có tính chất tối quan trọng, khi định rõ tinh thần mà qua đó sự giáo dục được thực thi:
  • yếu tố chủ động xuất hiện trước yếu tố thụ động trong sự phát triển của bản chất trẻ con; sự bộc lộ đến trước sự tiếp nhận có ý thức; sự phát triển cơ bắp xảy ra trước sự phát triển giác quan; sự đi đứng xảy ra sớm hơn so với sự xúc cảm có ý thức; tôi tin rằng ý thức, về cơ bản, mang tính thúc đẩy và các trạng thái ý thức luôn luôn có khuynh hướng hiện diện trong hành động.
  • xao lãng nguyên tắc này là nguyên nhân của phần lớn sự hoang phí thời gian và sức lực trong học tập. Đứa trẻ cứ bị áp đặt quan điểm học tập mang tính chất thụ động theo kiểu chỉ biết tiếp thu. Tình trạng đó có nghĩa đứa trẻ không được phép tuân thủ quy luật bản chất của nó; kết quả là sinh lực bị hao mòn và hoài phí.
  • ý tưởng (tiến trình thuộc về lý trí và tri thức) có kết quả từ hành động và được chuyển giao để đạt được sự kiểm soát hành động một cách tốt hơn. Cái mà ta gọi là lý trí chủ yếu vẫn là quy luật của hành động mang đặc tính trật tự hoặc hiệu quả. Nỗ lực phát triển các năng lực lý trí, năng lực của sự xét đoán, mà không đề cập đến sự chọn lọc và xếp đặt trong hành động, chính là một sai lầm căn bản trong phương pháp. Hậu quả là chúng ta chỉ trao cho đứa trẻ các biểu tượng độc đoán. Biểu tượng là yếu tố cần thiết trong sự phát triển tinh thần, nhưng chúng chỉ có vai trò như là những công cụ dành cho sự cố gắng tiết kiệm sinh lực; ngoài ra, chúng chỉ là tập hợp của những ý tưởng áp đặt vô nghĩa và độc đoán.
  • hình ảnh là công cụ giảng dạy hiệu quả. Điều mà đứa trẻ tiếp nhận được từ tất cả các môn học chính là những hình ảnh do nó tự hình thành liên quan đến các môn học đó.
  • nếu như ta dùng chín phần mười năng lượng hiện đang sử dụng để buộc đứa trẻ học một điều gì đó vào việc giúp đỡ cho đứa trẻ có thể hình thành các hình ảnh thích hợp, thì công tác huấn giảng sẽ có những thuận tiện không thể nào tả xiết.
  • phần lớn thời gian và sự quan tâm đến việc chuẩn bị và trình bày bài giảng có thể được dùng một cách thông minh và hiệu quả hơn vào việc rèn luyện khả năng hình dung của đứa trẻ và giúp đỡ nó có thể không ngừng hình thành những hình ảnh rõ ràng, sống động về các môn học khác nhau mà nó hiện đang tiếp xúc bằng kinh nghiệm riêng.
  • sở thích là dấu hiệu của một khả năng đang lớn mạnh. Do đó, quan sát chu đáo và thường xuyên chúng là công việc tối quan trọng của nhà giáo dục.
  • quan sát các sở thích này để thấy rõ tình trạng phát triển mà đứa trẻ đạt tới.
  • sở thích sẽ tiên đoán cho ta biết giai đoạn mà đứa trẻ sắp sửa bước vào.
  • chỉ có thông qua sự quan sát mang tính đồng cảm và liên tục đối với sở thích tuổi thơ, người lớn mới có thể xâm nhập vào đời sống của chúng, và nhận biết đời sống ấy đang chờ đón điều gì.
  • không thể chìu chuộng, cũng như không thể cấm đoán sở thích. Cấm đoán sở thích là dùng người lớn để thay thế cho đứa trẻ, và do đó, là làm suy yếu tính ham hiểu biết, đè nén sáng kiến và giết chết lòng say mê nơi chúng. Chìu chuộng sở thích là dùng sự nhất thời để thay cho sự trường cửu, và là sự thất bại trong việc xâm nhập vào chiều sâu tâm hồn của đứa trẻ. Vì vậy, hậu quả chắn chắn sẽ là dùng sự thất thường để thay thế cho lòng say mê chân thực.
  • cảm xúc là hình ảnh phản xạ của hành động.
  • cố gắng khích động hay đánh thức những cảm xúc không gắn liền với các hành vi tương ứng là thể hiện một trạng thái tinh thần ốm yếu và bệnh hoạn.
  • nếu ta có thể bảo vệ những thói quen tốt trong hành động và suy nghĩ bằng các yếu tố chân-thiện-mỹ, thì cảm xúc sẽ tự được vun bồi.
  • bên cạnh sự thiếu sinh khí và tẻ nhạt, chủ nghĩa hình thức và tính khuôn sáo, nền giáo dục của chúng ta không bị cái xấu nào đe dọa bằng cái xấu của chủ nghĩa đa cảm ủy mị.
  • chủ nghĩa đa cảm này là hậu quả tất yếu của nỗ lực tách rời cảm xúc ra khỏi hành động.
V. Nhà trường và sự tiến bộ xã hội
Tôi tin rằng
  • giáo dục là biện pháp căn bản của sự tiến bộ và cải cách xã hội.
  • tất cả mọi cải cách mà chỉ đơn thuần dựa vào việc ban hành luật pháp, hay sự răn đe bằng các hình phạt, hoặc dựa vào những đổi thay trong các biện pháp cải tiến có tính cách máy móc và hình thức, đều là những hành động nhất thời và phù phiếm.
  • giáo dục là sự chỉnh đốn tiến trình chia sẻ ý thức xã hội, và sự tu chỉnh hành vi cá nhân dựa trên căn bản ý thức xã hội này chắn chắn là biện pháp duy nhất trong việc tái thiết xã hội.
  • ý niệm này dành sự quan tâm thích đáng đến cả lý tưởng xã hội lẫn cá nhân. Nó mang tính cá nhân bởi vì nó thừa nhận sự hình thành cá tính là nền tảng xác thực duy nhất của cuộc sống lương hảo. Nó mang tính xã hội bởi vì nó nhìn nhận cá tính không hình thành bởi mệnh lệnh, khuôn mẫu hay sự khích động cá nhân, mà bởi sự ảnh hưởng từ một hình thức nào đó của đời sống đoàn thể hay cộng đồng.
  • trường học lý tưởng là nơi chốn có sự hòa hợp giữa lý tưởng cá nhân và xã hội.
  • vì lẽ đó, trách nhiệm của cộng đồng đối với giáo dục là một trách nhiệm tinh thần tối cao. Bằng luật pháp và hình phạt, bằng những thảo luận và ưu tư, xã hội có thể tự điều chỉnh và hình thành theo một phương cách ít nhiều mang tính chất bừa bãi và ngẫu nhiên. Nhưng thông qua giáo dục, xã hội có thể vạch ra nhiều mục tiêu, có thể tổ chức các phương tiện và nguồn lực để tự định hình một các rõ ràng và tiết kiệm theo một phương hướng mà nó mong muốn vươn tới.
  • một khi xã hội nhìn nhận các khả năng có thể thực hiện trong phương hướng này, và những nghĩa vụ mà chúng áp đặt, thì không thể nào phó mặc các nguồn tài lực, thời gian và sự quan tâm cho nhà giáo dục.
  • một trong những vấn đề cần được quan tâm trong lãnh vực giáo dục là phải nhất mực xem trường học như là công cụ hàng đầu và hữu hiệu nhất trong việc phát triển và cải cách xã hội, để khi đó, xã hội có thể bị đánh động mà nhận ra được vai trò của nhà trường và ý thức được sự cần thiết phải cung cấp đầy đủ cho nhà giáo dục các phương tiện để thi hành bổn phận của mình.
  • giáo dục được quan niệm như thế mới biểu lộ được sự hợp nhất sâu sắc và hoàn hảo của khoa học và nghệ thuật trong kinh nghiệm con người.
  • do đó, nền nghệ thuật bộc lộ rõ ràng các khả năng của con người và khiến chúng có thể phục vụ cho xã hội chính là một nền nghệ thuật tối thượng.
  • với sự phát triển của ngành tâm lý học, một ngành đã tạo ra cách nhìn sâu sắc hơn đối với cá nhân và các quy luật phát triển, và với sự lớn mạnh của ngành khoa học xã hội, một ngành đã bổ sung cho sự hiểu biết của chúng ta về quan hệ giữa các cá nhân, tất cả các nguồn lực khoa học đều có thể được dùng cho các mục tiêu giáo dục.
  • khi khoa học và nghệ thuật phối hợp chặt chẽ với nhau, thì suối nguồn phẩm hạnh của con người sẽ được khơi dòng.
  • người thầy không chỉ đơn giản là người tham gia vào việc huấn giảng cá nhân, mà còn là kẻ đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành một đời sống xã hội hợp lẽ.
  • mỗi người thầy nên nhận thức rõ phẩm giá nghề nghiệp của mình; người thầy là một viên chức xã hội có vai trò duy trì trật tự thích hợp và bảo vệ sự phát triển đúng đắn của xã hội.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9377&rb=0501

1 comment:

  1. Đồng ý: "Thông qua sự giáo dục vô thức này, cá nhân dần dần sẽ đi đến việc đóng góp vào kho tàng tri thức và luân lý, mà nhờ vào đó, nhân loại đã thành công trong việc chung sống với nhau. "

    ReplyDelete