Wednesday, December 12, 2012

ÚM BA LA HÔ BIẾN

Mấy hôm nay Đà Nẵng xôn xao với chuyện cái bằng tại chức. Kẻ ủng hộ, người bất bình. Chuyện chất lượng cái bằng tại chức như thế nào thì có lẽ đến trên 60% cho rằng chất lượng tồi. Vậy thì có điều gì khiến cho nhiều người trăn trở?Chúng ta hãy thử tìm hiểu những nguyên nhân nào dẫn đến việc  quyết định đó?



1. Chất lượng đào tạo của bằng ĐH tại chức?


Đã từ lâu lắm rồi tồn tại câu nói: DỐT CHUYÊN TU, NGU TẠI CHỨC. Thực sự, ban đầu các hệ chuyên tu tại chức này được mở ra để đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều người sau thời gian tham gia công tác, bỏ dở công việc học hành, hoặc con em những gia đình "có thành phần cơ bản". 
Câu nói trên cũng chỉ là câu nói trong lúc "trà dư tửu hậu", là một tiếng nói xầm xì không chính thức. Cho thấy sự khác biệt giữa một người đào tạo bài bản chính quy với một người bị mất căn bản, có nhiều lổ hổng và vá víu trong một tình trạng khó khăn thiếu thốn.
Chủ trương đào tạo tại chức không có gì là sai và hết sức nhân bản. Tuy nhiên, do tính cách làm việc thiếu nghiêm túc, khoa học và kỷ luật, thường xử lý theo tính xuê xoa tình cảm ( không biết đây có phải do bản chất của nông dân không?), kèm theo đó là tư tưởng công thần, sợ hãi, gian dối...Dẫn đến tình trạng có một số người lẽ ra phải hỏng thì lại được cho qua, các điểm số có tính nhân nhượng và chiếu lệ.
    Phải thừa nhận rằng việc xét điều kiện để một người đi học tại chức trước đây rất gắt gao: phải có ý kiến của cơ quan đơn vị công tác về tư cách đạo đức, năng lực. Người đi học ý thức được nhiệm vụ học tập của mình rõ ràng. ...Do đó có thể nói chất lượng của bằng ĐH tại chức hiện tại đã bị giảm sút!
Thực tế cho thấy, có rất nhiều người tuy học tại chức nhưng khả năng tư duy cũng như phong cách học tập tốt hơn nhiều so với những sinh viên trẻ học chính quy. Có lẽ, những người này ngoài năng lực tư duy họ đã có nhiều kinh nghiệm tích lũy về khả năng phân tích, khả năng tổng hợp cũng như phương thức giải quyết vấn đề trong quá trình làm việc.
Có nhiều người do nhu cầu công việc thực sự, chẳng hạn một người tốt nghiệp ĐH xây dựng. Nhưng khi phụ trách về vật liệu xây dựng, do nhu cầu kiến thức họ đã học thêm ĐH tại chức ngành Hóa học.

Trong một thời gian dài, do đời sống kinh tế khó khăn nên nhiều người tuy đã được học hành, có bằng cấp, vẫn phải bỏ để tìm những công việc khác không đòi hỏi nhiều kiến thức, bằng cấp nhưng có thu nhập cao hơn * (1). 

Trong nước, nhiều gia đình không muốn cũng như không có điều kiện cho con tiếp tục học tập, chấp nhận những công việc có thu nhập trước mắt. 
Những điều này dẫn đến một sự thiếu hụt nhân lực trong một khỏang thời gian dài. Rất nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra nhằm khuyến khích nhiều người đi học.
Sự khủng hoảng thiếu này kèm theo những điều kiện thu nhập ưu đãi của những người may mắn được học hành, cũng như sau khi nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, đã hình thành một phong trào thu hút nhiều người trở lại với công việc học tập:
- các cán bộ lãnh đạo trường sở nhưng thiếu chuẩn về bằng cấp.
- nhiều giáo viên, công nhân viên muốn nâng cao trình độ để thay đổi điều kiện và môi trường làm việc.
- nhiều người ham thích học tập nhưng do điều kiện hòan cảnh phải bỏ dở nay quay lại để thỏa mãn nhu cầu yêu thích của mình...
- Nhu cầu Đại học hóa bằng cấp khiến nhiều người rất khó lòng tìm việc với bằng tốt nghiệp TH phổ thông.
- Kinh tế thị trường mở cửa đã dẫn đến việc thương mại hóa giáo dục. Nhiều trường, nhiều cơ sở đứng ra mở các lớp học liên kết cấp bằng tại chức để thu lợi nhuận.

2. Khả năng đáp ứng công việc của những người tốt nghiệp bằng ĐH tại chức thấp?


Điều kiện đáp ứng việc đào tạo các lớp Đại học tại chức, Đại học chuyên tu chỉ có thế là các trường Đại học. Thời gian qua, rất nhiều trường Đại học (với đội ngũ giáo viên đã được đào tạo có bằng cấp) đã ra quân ồ ạt ký kết hợp đồng với nhiều địa phương để đào tạo ĐH tại chức, ĐH chuyên tu và ĐH từ xa. 
Ý nghĩa tích cực của nó là giúp cho đội ngũ lao động ở địa phương được nâng cao trình độ năng lực với sự giảm thiểu kinh phí đi lại mà vẫn bảo đảm được công việc đang đảm trách. Công việc này đòi hỏi một sự cố gắng nỗ lực về phía người dạy cũng như người học.
Tuy nhiên có những vấn đề nảy sinh:
- Do tính cách lợi nhuận, nhiều trường đã biến đội ngũ giáo viên của mình thành một lực lượng lao động nhằm trục lợi * (2). 

Các hợp đồng đào tạo đã đem lại lợi nhuận lớn cho một số cá nhân, trong khi nhà nước bỏ kinh phí đào tạo đội ngũ cũng như cơ sở, trang thiết bị vật chất.
- Có những trường ký kết các hợp đồng một cách ôm đồm dẫn đến khả năng lao động của người trực tiếp giảng dạy bị vắt kiệt. Không bảo đảm tính kế hoạch, thời gian giảng dạy tại các lớp tại chức cũng như chính quy. Lịch giảng dạy tại các lớp chính quy bị xáo trộn, cắt bỏ, thay đổi để đáp ứng lịch giảng dạy tại chức ở các địa phương. 
- Nhiều biến tướng trong ký kết hợp đồng hai bên cùng có lợi, một bên chịu tư cách pháp nhân cấp bằng. Một bên tuy điều kiện, trình độ giảng dạy chưa đáp ứng nhưng vẫn tham gia giảng dạy để tăng thu nhập và để giảm chi phí tại địa phương *(3).
 Những điều này không những gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại các lớp tại chức mà ngay chất lượng tại các lớp chính quy cũng ảnh hưởng.
- Do lợi nhuận, số tiết dạy cho các môn ở lớp tại chức theo chương trình thường bị cắt bớt *. 
* Đặc biệt ở các lớp đào tạo từ xa thì chương trình bị cắt bỏ rất nhiều: một môn học 60 tiết, giảm lại chỉ còn 10 tiết tính trong hai buổi học. Với lý do, học viên có nhiệm vụ tự học tự nghiên cứu. (Thực tế điều này khó thực hiện được).
- Thường có sự thông cảm ngầm giữa giáo viên và học viên. Giáo viên muốn rút ngắn thời gian vì sự chồng chéo với lịch giảng dạy tại các lớp chính quy. Trong khi đó, học viên tại chức, từ xa phải làm thêm để kiếm tiền trang trải cho những tốn kém từ các lớp học này.
- Học viên thường kêu gọi thầy thông cảm để giảm thiểu yêu cầu đánh giá của giáo viên.
- Thầy lơ là trong trách nhiệm giảng dạy và đánh giá đúng * (4).

Phía lãnh đạo cũng khuyến khích học viên học từ xa do số thời gian tập trung học ít nên việc bỏ nhiệm sở để đi học cũng ít hơn, ít gây bị động cho người phụ trách lao động hơn.
Những điểm này khiến cho chất lượng đào tạo tại chức, đào tạo từ xa khó đảm bảo. Vì thế, nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã tự đánh giá trình độ không được cải thiện nhiều sau khi tốt nghiệp.
Nhưng qua đó cũng cho thấy chất lượng ĐH chính quy cũng bị ảnh hưởng.

3. Hiện trạng nhiều SV tốt nghiệp ĐH chính quy không có việc làm?


Hiện nay số lượng trường Đại học đã tăng lên rất nhiều do tính cách thương mại hóa và lợi nhuận của nó hơn là vì mục đích giáo dục. Nhiều trường Đại học không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy vẫn được phép mở với việc thu nhận số SV vượt quá chỉ tiêu cho phép của bộ Giáo dục về số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng như về điểm sàn. 
Điều này dẫn đến số sinh viên tốt nghiệp Đại học rất lớn nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu lao động không cao và vì thế khả năng xin việc trở nên rất khó khăn.
- Các trường Đại học đào tạo theo những chuyên môn mình có, hơn là theo nhu cầu của thị trường lao động. Hoặc có thế theo nhu cầu thị trường lao động nhưng thực sự năng lực đào tạo chuyên sâu và ứng dụng không đảm bảo. 
- Một số ngành được mở ra theo tầm nhìn không xa của người có trách nhiệm dẫn đến sự èo uột, đem con bỏ chợ và việc tìm công ăn việc làm cho đầu ra rất khó khăn. Ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp tại trường ĐH sư phạm là một ví dụ.
- Hầu như trường Đại học nào cũng mở rộng chỉ tiêu đào tạo. Từ một lớp thành hai hoặc ba lớp cho mỗi năm nên điểm chuẩn hạ xuống, số lượng SV chính quy tăng.
- Thiếu sự sàng lọc và yêu cầu chất lượng đúng chuẩn theo hình tháp mà thường đi theo hình ống. Nghĩa là số lượng SV trượt tốt nghiệp rất ít.
Vì những lý do trên nên hiện nay nhu cầu học viên, học sinh tốt nghiệp cấp ba xin đi học tại chức đã giảm đi rất nhiều.

4. Tình trạng đào tạo ồ ạt những bằng cấp cao hơn?
Hơn mười lăm năm vừa qua, vấn đề đào tạo hết sức ồ ạt về bằng cấp Đại học qua nhiều hệ chuyên tu, tại chức, từ xa ....đã dẫn đến một cum từ vui là : " phổ cập hóa bằng Đại học". Hiện nay bằng cấp Đại học không còn là một điều quá khó, cần phải phấn đấu như vài chục năm trước.
Nhiều SV với bằng tốt nghiệp ĐH tại chức hiện nay đã và đang tham dự các lớp học đào tạo thạc sĩ trên khắp mọi miền đất nước và chắc có người cũng đã phấn đấu cấp học tiến sĩ.
Trong khi đó nhiều SV tốt nghiệp ĐH chính quy với năng lực tốt hiện đang bằng lòng với thu nhập cao và khả năng kiếm tiên của mình nên không đặt ra yêu cầu học ở cấp học cao hơn ( các giáo viên giỏi đang có thu nhập cao tại các trung tâm luyện thi Đại học là một ví dụ).
Hiện nay, vấn đề "phổ cập hóa bằng thạc sĩ" có lẽ là vấn đề đã và đang manh nha.
Một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, theo quy định của Bộ Giáo dục yêu cầu phải có ít nhất 3 tiến sĩ cùng chuyên ngành. Mỗi tiến sĩ và ngay cả Phó  Giáo sư trong một năm chỉ được phép hướng dẫn tối đa 3 học viên thạc sĩ ( trước đây quy định TS hướng dẫn 3, PGS hướng dẫn 5). Thực tế thì số lượng học viên thạc sĩ mà mỗi TS lớn hơn. Có trường hợp cá biệt, tính trong 1 năm có người hướng dẫn đến hơn 10 luận văn thạc sĩ và tiến sĩ tính trên cả nước.
Việc hướng dẫn luận văn thạc sĩ không đúng chuyên ngành và hướng dẫn quá số quy định của Bộ GD hiện đang là điều có thật và là một vấn đề cảnh báo cần xem xét.

Do vậy, việc không tuyển dụng bằng cấp ĐH tại chức ở Đà Nẵng là một thực tế hiển nhiên. 

Vì thực tế, hiện nay nhu cầu đào tạo bằng cấp này đã không còn cấp thiết nữa tại một thành phố trung ương như vậy. Nơi có nhiều trường ĐH có khả năng đào tạo về tiến sĩ, thạc sĩ cũng như đào tạo bằng ĐH chính quy. Cũng như có thể thu nhận những người tốt nghiệp ĐH hoặc tốt nghiệp thạc sĩ được đào tạo từ các tỉnh lân cận như Quảng nam, Qui Nhơn, Huế và Vinh thậm chí có thể từ các ĐH xa hơn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà lạt.. Số người có bằng ĐH chính quy cũng như bằng thạc sĩ xin việc làm ở Đà nẵng tăng nhiều hàng năm. Do vậy đặt ra vấn đề tuyển dụng bằng ĐH tại chức là vấn đề không còn sát với thực tế.

Một điểm nữa cần chú ý là hiện nay với chủ trương của Bộ Giáo dục là xây dựng Đại học theo hệ thống tín chỉ. Một SV có thể theo học ĐH trong nhiều năm để có thể hoàn thành số tín chỉ theo đúng yêu cầu của bằng Đại học.
Chủ trương này hoàn toàn chính đáng, nó sẽ loại bỏ được tình trạng nhiều em vì lý do tài chính cũng như hoàn cảnh gia đình riêng mà đành ngậm ngùi trắng tay sau mấy năm học ĐH theo quy chế niên chế.
Tuy nhiên, trong cách nói ở một địa phương như vậy, vẫn có một điều gì đó cay đắng đến ngỡ ngàng. Vì thực tế như đã nói, vẫn có rất nhiều giáo viên tâm huyêt, hết lòng giảng dạy vì sự nghiệp giáo dục cũng như rất nhiều người tốt nghiệp Đại học tại chức nhưng có quyền ngẩng cao đầu vì sự phấn đấu vươn lên và vì sự tự trọng, vì danh dự của họ. Không nên có một sự đánh đồng như vậy, khi mà họ không phải là người chủ động chịu trách nhiệm chính về chất lượng của bằng ĐH tại chức.
Vấn đề quan trọng là tấm bằng phải phản ánh đúng trình độ của người có nó. Điều này phụ thuộc rất nhiều ở người tổ chức đào tạo, cấp phát và công nhận tấm bằng đó.
Đối với nhà tuyển dụng, họ có quyền nghi ngờ chất lượng đào tạo của một cơ sở đào tạo. Cái quan trọng không kém vẫn là năng lực đánh giá của nhà tuyển dụng vào chính con người mà họ cần tuyển dụng.

* (1) Nhiều cán bộ giảng dạy ở các trường Đại học bỏ trường đi làm đội trưởng phụ trách các công nhân lao động xuất khẩu. Có trường hợp sau thời gian dài, ở lại nước ngoài chỉ để làm công việc buôn bán các mặt hàng khan hiếm như: buôn bàn là, thau nhôm, ấm điện..từ Liên Xô, hoặc buôn xe gắn máy ở các nghĩa địa xe của Nhật về Việt Nam; ngược lại buôn những mặt hàng khan hiếm tại các nước xã hội chủ nghĩa như quần Jin, áo phông, mỹ phẩm ....từ Lào, Thái Lan qua các cửa khẩu của Việt Nam.
* (2) Người ký hợp đồng đã trở thành một cai đầu dài, thu lợi từ việc kinh phí biên soạn giáo trình, trả thù lao thấp cho người trực tiếp giảng dạy, việc định giá thù lao chỉ do phía nhà trường tự quyết định mà không có hợp đồng thỏa thuận giữa giáo viên và nhà trường.
* (3)Tỉ lệ số tiết phân công giảng dạy có thể thay đổi từ 30-70 đến 50-50 tùy theo từng hợp đồng thỏa thuận đôi bên.
* (4) Thực tế cho thấy, khuynh hướng hiện nay là học viên muốn học các lớp đào tạo từ xa hơn. Với nhiều lý do: thời gian tập trung học ít hơn, có thể nhờ hoặc thuê người khác làm bài giúp. Các buổi giảng dạy trọng tâm, giải đáp thắc mắc rất dễ biến tướng thành những buổi ôn tập trọng tâm, các dạng bài tập phục vụ cho việc thi hết môn.

NBT

Bài viết này chỉ ghi lại những cảm nhận thực tế của cá nhân sau nhiều năm giảng dạy. 
12/7/2010

Đọc báo
Chấp nhận “ế” học viên tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo
http://dantri.com.vn/c728/s728-442541/chap-nhan-e-hoc-vien-tai-chuc-de-dam-bao-chat-luong-dao-tao.htm
Lỗi ở người học hay do nhà quản lý?
http://dantri.com.vn/c25/s25-442401/loi-o-nguoi-hoc-hay-do-nha-quan-ly.htm
Nói “không” với sinh viên tại chức là không công bằng
http://dantri.com.vn/c25/s25-442304/oi-khong-voi-sinh-vien-tai-chuc-la-khong-cong-bang.htm
Tuyển bằng hay tuyển người?
http://dantri.com.vn/c25/s25-442345/tuyen-bang-hay-tuyen-nguoi.htm

54 comments:

  1. aquapham wrote on Dec 7, '10
    Thật kinh khủng về các loại đào tạo gấp.

    ReplyDelete
  2. matbeo wrote on Dec 7, '10
    Thời buổi nay toàn loạn bằng cấp không àh

    ReplyDelete
  3. tongngoclinh wrote on Dec 7, '10
    một thực trạng cho cái bằng đại học tại chức thời buổi đô thị hóa mà chị , nếu ko có bằng đại học thì ko ai nhận vào làm việc , vậy thôi bằng nào cũng là bằng thôi hiiiiiiiii

    ReplyDelete
  4. menam0 wrote on Dec 7, '10
    Chính quy hay tại chức, là do người đi học có muốn học và muốn nhận lấy kiến thức ở góc độ nào nữa :)

    ReplyDelete
  5. phamngocthienan wrote on Dec 7, '10
    linalol said
    "Đối với nhà tuyển dụng, họ có quyền nghi ngờ chất lượng đào tạo của một cơ sở đào tạo. Cái quan trọng không kém vẫn là năng lực đánh giá của nhà tuyển dụng vào chính con người mà họ cần tuyển dụng."

    vote cho câu này

    ReplyDelete
  6. matbeo wrote on Dec 7, '10
    Nền GD VN càng ngày càng tụt dốc , em cũng đang theo học 1 chương trình đào tạo TS , hoc gần hết 2 học kì, mà trong đầu vẫn k đọng lại gì hết, chỉ 1 ý tưởng nhỏ thôi cũng không có!!!111

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 7, '10

      Nếu muốn có kiến thức thì phải nỗ lực tự học mà thôi!

      Delete

  7. matbeo wrote on Dec 7, '10

    học TS mà giống như học lớp 1 đó linadol ơi đi học điểm danh, học toàn giờ HC k nè, mà đòi hỏi đâu bằng cấp chất lượng, khó hiểu

    ReplyDelete
  8. linalol wrote on Dec 7, '10, edited on Dec 7, '10
    menam0 said:
    "Chính quy hay tại chức, là do người đi học có muốn học và muốn nhận lấy kiến thức ở góc độ nào nữa :)"

    Làm thế nào mà đến một lúc, công nhận đó là bằng Đại học, đừng có phân biệt .. Có nghĩa là người đào tạo trước hết cần xem lại trách nhiệm đào tạo của mình

    ReplyDelete
  9. linalol wrote on Dec 7, '10
    matbeo said:
    "học TS mà giống như học lớp 1 đó linadol ơi đi học điểm danh, học toàn giờ HC k nè, mà đòi hỏi đâu bằng cấp chất lượng, khó hiểu "

    Học thạc sĩ hay Tiến sĩ?

    ReplyDelete
  10. matbeo wrote on Dec 7, '10
    em đang học Thạc sỹ , hé hé

    ReplyDelete
  11. linalol wrote on Dec 7, '10

    Chắc ở ĐH Sài Gòn?

    ReplyDelete
    Replies
    1. matbeo wrote on Dec 7, '10
      Dạ em học Đại học đà Nẵng

      Delete
    2. matbeo wrote on Dec 7, '10

      Sg đào tạo bài bản lắm nghen, ai đi học chuyên cần đều, khuyến khích cộng thêm 1 điểm cuối kì, còn ai k đi học k có kiến thức ráng chịu, chứ k như ở miển trung đào tạo , điểm danh hằng ngày, làm em bực mình

      Delete
    3. linalol wrote on Dec 7, '10, edited on Dec 7, '10

      Hi hi....Tại vì ở ĐN nhiều người không hề đi học một buổi nào cả. Vậy mà vẫn đòi nộp tiểu luận, vẫn đòi thi. Ý thức tự học của SV ở Sài gòn rất cao.

      Delete
    4. matbeo wrote on Dec 7, '10

      em hiểu mà,

      Delete
    5. linalol wrote on Dec 7, '10

      Điều này cũng gây phản cảm ở những giáo viên nghiêm túc.

      Delete
    6. matbeo wrote on Dec 7, '10

      mà phải đặt hoàn cảnh thông cảm những người đi làm giờ HC chứ chị?

      Delete
    7. linalol wrote on Dec 7, '10

      Thực tế thì chúng ta thấy khi đi học thạc sĩ, các môn học do nhiều thầy ở xa đến. Với những thầy ở tại cơ sở đào tạo thì có thể bố trí dàn trải phù hợp cho điều kiện học viên. Với những GV ở xa, nếu lấy lý do bận giờ HC ( điều này học viên phải tiên liệu trước khi đi học) thì rất nhiều học viên cũng với lý do này nhưng thực tế làm một công việc khác. Một thầy chỉ dạy trong ba ngày, nhưng học viên vắng cả ba ngày. Học viên nắm kiến thức như thế nào?
      Rất nhiều hệ quả nảy sinh. Chính khi ta đặt hoàn cảnh thông cảm là đã xuê xoa và không bảo đảm chất lượng rồi đó.
      Kết quả là có bằng, nhưng chất lương không bảo đảm.
      Nếu có một cách nào đó, học viên tự học và Giáo viên có tàn quyền đánh giá bảo đảm chất lượng học tập của học viên thì đó là điều tốt.

      Delete
    8. matbeo wrote on Dec 8, '10

      thú thật ý kiến chị em cũng đồng tình, nhưng thử hỏi 1 môn học 60 tín chỉ , đào tạo trong vòng 3 ngày liên tiếp, thử hỏi thần đồng nào tiếp thu hết.Thậm chí ngay việc lên lớp lại điểm danh là 1 điều em băn khoăn và bực mình.Đứng trên cương vị người giảng dạy khi thấy lớp học viên đi học ít quá cũng buồn, mất hứng thú truyền đạt kinh nghiệm,.Nhưng vừa học vừa làm đâu phải ai như ai.Riêng hẳn em tuy công việc có chồng chéo nhưng em vẫn cố gắng hết mình, tranh thủ những giờ công việc ít vẫn lên trường dù 10 sáng vẫn cũng mò lên kiếm ít chữ.Về nhà tự học là chính ...học phải có ý thức

      Delete
    9. matbeo wrote on Dec 8, '10
      nên dung hòa cho những người đang theo học

      Delete
    10. linalol wrote on Dec 8, '10, edited on Dec 8, '10
      matbeo said

      Chắc em ghi sai, không có môn học nào 60 tín chỉ cả. Một ngành học có 60 tín chỉ. Một môn chỉ từ 2-3 tín chỉ.
      Hình thức tổ chức học và dạy thạc sĩ hiện nay ở Đà Nẵng có nhiều điểm rất giống với học ĐH tại chức.
      Bởi vì đa số học viên thạc sĩ đều là công chức, giáo viên vừa làm vừa học. Số SV mới ra trường thì lo chạy xô dạy thêm kiếm tiền trang trải học phí!
      Nhiều thầy dạy từ xa tới.

      Delete
    11. linalol wrote on Dec 11, '10
      matbeo said:
      "nên dung hòa cho những người đang theo học "
      Cần đặt yêu cầu rõ ràng cho người dạy và người học. Học Thạc sĩ nên theo hình thức học tập trung, không nên theo hình thức tại chức, không tập trung.
      Giáo viên cần nghiêm túc khi đánh giá, cần có chương trình cũng như yêu cầu đối với môn học đưa cho SV. SV dựa trên các yêu cầu mà thực hiện. SV không thụ động chỉ dựa vào những phần KT thầy dạy. Điều quan trọng đầu tiên là cần có sự tuyển sinh nghiêm túc, đặt ra đúng yêu cầu kiến thức chuyên ngành cho học viên cần tuyển.
      Tránh kiểu chỉ dựa vào 2 ba môn học ở ĐH mà quyết định chất lượng tuyển sinh cho rất nhiều chuyên ngành khác nhau.
      Tránh tình trang vừa ôn thi cao học vừa ra đề thi tuyển cao học. Làm thế nào để chọn đúng những người có năng lực khá giỏi thực sự để học các lớp cao học.

      Delete
  12. holanhuong wrote on Dec 7, '10
    BTN nói những điều em đang tính nói!

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 7, '10

      Mình chỉ cảm nhận qua thực tế. Mình không phải nhà lý luận HLH à:).

      Delete
  13. nguhanhsonn wrote on Dec 7, '10
    matbeo said:
    "Sg đào tạo bài bản lắm nghen, ai đi học chuyên cần đều, khuyến khích cộng thêm 1 điểm cuối kì, còn ai k đi học k có kiến thức ráng chịu, chứ k như ở miển trung đào tạo , điểm danh hằng ngày, làm em bực mình"
    Béo đang học ĐHBK ĐN? Chắc biết ông Nguyễn Hồng Anh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. matbeo wrote on Dec 8, '10

      dạ em biết , cũng nhìu lắm, chị àh

      Delete
  14. nguhanhsonn wrote on Dec 8, '10
    linalol said:
    "Chủ trương đào tạo tại chức không có gì là sai và hết sức nhân bản."

    Trước 1975 chưa học xong bậc tiểu học. Sau 1975 học VHBT (3 năm) tốt nghiệp THPH và học
    ĐH tại chức có văn bằng cử nhân. Bây chừ là ủy viên thành ủy TPĐN giữ chức bí thư kiêm chủ tịch
    quận. Thán phục!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tuy nhiên, do tính cách làm việc thiếu nghiêm túc, khoa học và kỷ luật, thường xử lý theo tính xuê xoa tình cảm ( không biết đây có phải do bản chất của nông dân không?), kèm theo đó là tư tưởng công thần, sợ hãi, gian dối...Dẫn đến tình trạng có một số người lẽ ra phải hỏng thì lại được cho qua, các điểm số có tính nhân nhượng và chiếu lệ.

      Delete
  15. ngocyen054 wrote on Dec 8, '10
    Con gái mình đang học ở SG, thi vào cũng khó, và đầu ra cũng không phải dễ dàng gì.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 8, '10

      Ở Sài Gòn, thực tế còn tùy trường và còn tùy ngành học. Ví dụ ĐH KHTN , ĐHBK, ĐH Y Dược nhìn chung là tốt.

      Delete
  16. tramanh2007 wrote on Dec 8, '10
    cô cho link nó ko tự động dẫn được?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 8, '10

      Không tự động dẫn cháu à. Có thể copy đường link , mở một trang mới để xem

      Delete
  17. katygiahan wrote on Dec 8, '10
    Vấn đề này to quá em không bàn được vì nó liên quan đến quá nhiều yếu tố. Nhưng cơ bản tại vì mà là:
    1. các DN, cơ quan... ưa hình thức mà ko chú trọng chất lượng (phải có bằng đại học cho nên việc có bằng chỉ đóng vai trò hợp thức hóa) --> bản thân người học chỉ học cho có.
    2. Chương trình đào tạo không phù hợp với thời đại với nhu cầu, mang nặng tính lý thuyết --> người học cho rằng học những cái đó chả bổ béo gì (ko phục vụ nhu cầu làm việc của họ) nên họ không học hành nghiêm túc, sơ sài, chỉ cần có điểm để qua (để phục vụ điều 1)
    3. Đơn vị tổ chức học hành thi cử không nghiêm túc, đại khái qua loa. Lỗi một phần do dạy tràn giang đại hải, quá nhiều kiến thức lý thuyết mà thời gian thì hạn hẹp nên giảng viên cứ phải chạy theo chương trình đến ná thở


    Thực ra có rất nhiều người dù học tại chức nhưng họ rất giỏi. Họ học ko chỉ trên trường mà họ học qua kinh nghiệm công việc của chính bản thân, họ biết nắm bắt cái cần, và lược bỏ cái không cần...

    Ngày xưa em may mắn học 1 lần với giáo viên nước ngoài và em thấy giữa VN và NN khác hoàn toàn. Một tiết dạy của họ lượng kiến thức truyền đạt cho sinh viên chỉ bằng 1/3 của GVVN nhưng sau đó cái mà sinh viên tự tìm hiểu, đào sâu lại nhiều gấp 3 lần cái giáo viên truyền đạt, và đến bây giờ sau rất nhiều năm nghỉ học những kiến thức đó vẫn còn mà ko bị mất đi (ngay sau khi ra khỏi phòng thi). Và em rất thích cách truyền đạt của họ

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 8, '10

      Hoàn toàn đồng ý với những nhận định của katty đưa ra: rất ngắn gọn, xác đáng và súc tích.

      Delete
  18. linalol wrote on Dec 10, '10
    Nói “không” với tại chức hay tư duy trọng bằng cấp?
    http://tranminhquan.wordpress.com/2010/12/11/noi-khong-với-tại-chức-hay-tư-duy-trọng-bằng-cấp/
    Bài viết được đăng trên Tuần Việt Nam ngày 11/12/2010

    ReplyDelete
  19. ktsthanhhai wrote on Dec 11, '10, edited on Dec 11, '10
    Cái thời chạy đua với bằng cấp ... cái chữ tại chức nó có nhiều ý nghĩa, trong đó nôm na là vì cái chức ... nên mới đi học. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người đi học thực sự.

    Ở Sài Gòn họ chuộng tài năng, thử việc mà ko làm được việc họ cho nghỉ ngay.

    Còn những nơi khác đôi khi chú trọng vô cái bằng cấp để tạo ra những cái xấu ăn theo, anh muốn dạy học trường ngon thì phải thi công chức ... rồi muốn vị trí làm tốt thì đưa tiền ... bao nhiêu anh có tài nhưng nhà nghèo đành phải lặn lội đi nơi khác làm việc, rời xa nơi họ được sinh ra và lớn lên. Ở đó họ đã có những vị cốp với rất nhiều bằng tại chức nắm

    ReplyDelete
  20. linalol wrote on Dec 11, '10

    Nếu thực sự chú trọng tài năng thì tại sao tốt nghiệp ĐH bất kỳ trường nào, hễ bằng giỏi thì được cộng điểm khi tuyển công chức?
    Thực tế thì cách dạy, cách đánh giá của các ĐH đâu có giống nhau! Chưa nói trình độ thầy dạy cũng khác nhau nữa!
    Có nhiều ĐH có tỉ lệ SV tốt nghiệp giỏi lên đến 30%. Điểm khóa luận tốt nghiệp toàn cho điểm 10 một cách rất vô tư!
    Thực tế cho thấy có SV tốt nghiệp hạng khá của trường này nhưng trình độ chắc chắn hơn SV tốt nghiệp loại giỏi trường khác.

    ReplyDelete
  21. linalol wrote on Dec 11, '10
    Đối với một số cơ quan tuyển dụng điểm cộng cho bằng Thạc sĩ tương đương điểm cộng cho bằng ĐH tốt nghiệp bất kỳ ĐH nào.

    ReplyDelete
  22. linalol wrote on Dec 11, '10, edited on Dec 11, '10
    Hiện nay có một loại hình đào tạo mới là liên thông: học sinh rớt ĐH, có thể học cao đẵng, trung cấp. Sau khi tốt nghiệp, tùy vào điểm sẽ được xét chuyển học tiếp lên Đại học, hoặc phải đi làm 1 năm sau đó thi tuyển vào hệ liên thông. Tóm lại là rất nhiều đường để hợp thức hóa bằng ĐH chính quy.

    ReplyDelete

  23. delete reply
    ktsthanhhai wrote on Dec 11, '10, edited on Dec 11, '10
    sự thực nhiều cái chán lắm chị à ... sinh viên ra trường thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

    Đại học thì xét nguyện vọng tới nguyện vọng 4 hay 5 lần.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 11, '10

      Bởi vì thầy trước đây chỉ toàn học lý thuyết chay, thầy ham đi dạy luyện thi, ham làm thêm, không tự bồi dưỡng nâng cao trình độ ..( giải thích là do trả lương thấp !!! nhưng mà còn nhiều lý do tại thầy nữa); trình độ ngoại ngữ của thầy không có để cập nhật kiến thức, cứ xào lại mấy quyển sách cũ vài chục năm trước. Hoặc thấy có một quyển sách nào mới ra thì thầy ôm về biến của người thành của mình.
      Vì thầy không giỏi nên thầy dạy theo kiểu NHÌN CHÉP THAY CHO ĐỌC CHÉP! Do vậy mà SV tốt nghiệp lơ ngơ.
      Chẳng có ai có thể kiểm tra đánh giá trình độ của thầy! Tất cả bị chi phối bởi hành chính sự vụ. Chuyên môn bị xem nhẹ.

      Delete
    2. ktsthanhhai wrote on Dec 11, '10
      ngày xưa thành ông Tú thôi là cả một sự gian nan chăm lo đèn sách, học trò học xong hiểu nhiều về các mặt xã hội. Bây giờ giỏi khối A lại tệ khối C ... Học thì cái nào cũng ôm vô, cái chuyên môn thì cứ lờ mờ.

      Delete
  24. linalol wrote on Dec 11, '10
    ktsthanhhai said:
    "ngày xưa thành ông Tú thôi là cả một sự gian nan chăm lo đèn sách, học trò học xong hiểu nhiều về các mặt xã hội. Bây giờ giỏi khối A lại tệ khối C ... Học thì cái nào cũng ôm vô, cái chuyên môn thì cứ lờ mờ."
    Ngày trước học hành kiểm tra rất công kỹ, kiểm tra tuần, có điểm hoc lực từng tháng. sau đó mới thi học kỳ. Ngày nay chỉ có kỳ thi học kỳ mà thôi nên kiến thức học sinh nắm không chắc. Người xưa có câu: VĂN ÔN VÕ LUYỆN!

    ReplyDelete
  25. lstochung wrote on Dec 11, '10
    Bằng cấp không phải là thước đó giá trị một con người mà hãy nhìn vào người đó giúp ích được gì cho xã hội. Sợ nhất là học giả để lấy bằng thật.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Dec 11, '10
      Vâng, đúng như thế. Học giả bằng thật rất là nguy hiểm cho xã hội!

      Delete
  26. caonguyenbui wrote on Dec 12, '10
    Em cũng từng học đại học từ xa cho văn bằng 2 của ĐH Huế. Em tự sắp xếp công việc để đi học vì em thích, vì hồi nhỏ em từng ước ao được học nó. Học rồi lấy bằng về cất, coi như tự ....sướng. Em không kiếm sống nhờ văn bằng 2, nhưng em nghĩ nếu học những môn khoa học xã hội mà tự học đàng hoàng thì kiến thức không có vấn đề gì cả. Chỉ là khi người ta không thích học mà thích có bằng thì mới sinh ra chuyện rắc rối. Hi. Hi.

    ReplyDelete
  27. linalol wrote on Dec 12, '10

    Vấn đề là chổ đó! Khi xã hội quá chú trọng bằng cấp mà việc bảo đảm chất lượng chưa tới đầu tới đũa!

    ReplyDelete
  28. gioheomay wrote on Dec 12, '10
    Gió thì nghĩ việc một số địa phương hay công ty không chấp nhận người có bằng tại chức là có nguyên nhân ..và nguyên nhân đó BT đã nói trong bài viết .
    Tự thân việc học tại chức và cái bằng tại chức không có tội ..vấn đề là việc quản lý , tổ chức để chất lượng tại chức có giá trị hay không mới là việc cần bàn....Thật ra , ngay chất lượng đào tạo chính quy của ta vẫn còn đang có vấn đề thì việc đào tạo tại chức không đạt yêu cầu cũng là chuyện bình thường .

    Ngành GD nườm nượp GV đi học Cử nhân , cao học ... Số GV có nhu cầu học thì ít , bị bắt buộc học để trường đủ chuẩn , để lãnh đạo trường , lãnh đạo phòng được tiếng quan tâm việc nâng chuẩn cho GV thì nhiều... Những người ko có nhu cầu tất nhiên ko thích học ..thế là việc quay cóp bài , việc xin điểm GV là chuyện "bình thường" ... Ra trường cũng cử nhân như ai nhưng kiến thức thì ...trống rỗng ... Gió thường nói vui là "cử nhân giấy nhiều hơn cử nhân thật ".

    Khi nào ta có được một hệ thống GD tốt , có được một hệ thống quản lý GD tốt thì bằng chính quy hay tại chức đều đáng hoan nghênh ..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu làm lãnh đạo mà không có bằng cấp nư nhân viên thì..khó coi. làm sao lãnh đạo được hi?:)

      Delete
  29. linalol wrote on Jan 6, '11
    http://dantri.com.vn/c728/s728-449137/de-dao-tao-tai-chuc-khong-bi-tieng-oan.htm

    ReplyDelete
  30. Giáo dục chính qui của xứ mình vẫn còn là vấn nạn, nói chi đến chuyên tu hay tại chức. Buồn lắm!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thì chính cái tại chức, từ xa này cũng góp phần làm xuống cấp đào tạo chính quy.

      Delete