Nền giáo dục đúng nghĩa không sản sinh bạo lực học đường
Sự thiếu hiểu biết là nguồn gốc của bạo lực
SGTT.VN - Bài viết ngắn này là trăn trở của độc giả sau vụ bài văn của một học sinh thể hiện những suy nghĩ độc lập về bạo lực học đường nhưng lại bị cho điểm 0 kèm những lời phê nặng nề. Cuộc tranh luận xung quanh bài văn này có lẽ sẽ còn tiếp tục, giữa một bên bảo vệ quan điểm “cần đạt điểm cao ở kỳ thi” và một bên là quyền được sáng tạo của học trò. Báo Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu với độc giả ý kiến thiên theo hướng bảo vệ quyền được sáng tạo của học trò.
Một nền giáo dục áp đặt, thiếu tôn trọng con người sẽ có nguy cơ tạo ra bạo lực. Ảnh mang tính minh họa, lấy từ một cảnh phim Bóng ma học đường.
|
Một nền giáo dục đúng nghĩa không nhằm đào tạo nên những đứa trẻ chỉ biết vâng phục một cách thụ động, mà đào tạo nên những đứa trẻ hiểu biết. Sự biết và hiểu sẽ giúp đứa trẻ thực hiện các quy định một cách tự giác, thậm chí còn đau khổ khi quy định bị vi phạm.
Một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là tạo nên những con người biết làm chủ bản thân. Bạo lực chính là hệ quả của sự thiếu làm chủ. Các nhà giáo dục học đã khẳng định rằng chính nhờ sự hiểu biết, chính nhờ được giáo dục (dưới hình thức này hay hình thức khác) mà con người tự giải phóng khỏi bản năng hoang dã, cảm thấy ghê sợ phần bạo lực trong chính mình, sự hiểu biết giúp con người chế ngự được bạo lực.
Điểm 0 dành cho bài văn đang nói đến ở đây cho thấy nỗ lực suy nghĩ độc lập của học sinh đã bị xoá bỏ. Giáo dục như hiện nay đang tạo ra những học sinh chỉ biết chép lại nguyên xi bài mẫu, chỉ biết nhắc lại quan điểm và cách nhìn nhận của giáo viên; nghĩa là những học sinh chỉ biết vâng lời. Kiểu giáo dục này dường như đang cố gắng hình thành nên những con người chỉ biết phục tùng. Nhưng những người vâng phục chỉ có khả năng duy trì chứ không có khả năng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Như vậy, mục tiêu đào tạo ra con người vâng phục sẽ mâu thuẫn với mục tiêu phát triển xã hội.
Tuy nhiên, con người luôn có khuynh hướng chống lại sự áp đặt. Vì thế mà một nền giáo dục áp đặt, thiếu tôn trọng con người sẽ có nguy cơ tạo ra bạo lực.
Một nền giáo dục đúng nghĩa không nhằm đào tạo nên những đứa trẻ chỉ biết vâng phục một cách thụ động, mà đào tạo nên những đứa trẻ hiểu biết. |
Bạo lực học đường xảy ra song song với việc đào tạo ra những đứa trẻ ngoan ngoãn đến mức thụ động, cứ lên hết lớp này qua lớp khác mặc dù không có kiến thức trong đầu. Bạo lực học đường diễn ra song song với việc tạo ra những đứa trẻ chấp nhận, một cách có ý thức hoặc không có ý thức, trở thành nạn nhân của căn bệnh thành tích ở giáo viên và những người quản lý giáo dục. Sự việc hàng ngàn điểm 0 về môn sử trong kỳ thi đại học năm trước là một minh chứng hùng hồn cho việc học sinh có thể đỗ tốt nghiệp phổ thông mà không cần có chút kiến thức nào (về lịch sử).
Bên cạnh những đứa trẻ ngoan ngoãn vì thiếu hiểu biết đó sẽ có những đứa trẻ bạo lực vì thiếu hiểu biết. Bạo lực sẽ hình thành như một khuynh hướng tự phát chống lại toàn bộ những phi lý của cỗ máy giáo dục hiện hành.
Nguyên nhân sâu xa là nhà trường đã không mang lại cho học sinh những hiểu biết thực sự, đặc biệt là những hiểu biết về chính bản thân các em. Nhà trường đã không hình thành được cho học sinh ý thức về cái đẹp, cái thiện, ý thức về sự thật, nhất là sự thật về chính bản thân mình. Phản ứng của học sinh phần lớn phân theo hai cực: hoặc là thụ động chấp nhận dẫn tới mất khả năng tư duy, mất khả năng phản kháng; hoặc là phản kháng theo một cách thức tiêu cực: tự tử, bạo lực… Ở giữa hai khuynh hướng đó, tất nhiên vẫn còn có những học sinh phát triển bình thường, nhờ ảnh hưởng của gia đình và từ những thầy cô giáo có hiểu biết và vẫn còn giữ được lương tâm nghề nghiệp.
Em học sinh, tác giả của bài văn được điểm 0 này, xuất sắc ở chỗ em đã nhìn ra nguồn gốc của bạo lực trong chính bản thân môi trường giáo dục, em đã nhìn thấy rằng các em đang học trong một môi trường mang sẵn các yếu tố để hình thành bạo lực, mà cái quạt và cái nóng chỉ là một ví dụ cụ thể. Trong việc trường học bị biến thành một môi trường bạo lực, lỗi không hề thuộc về học sinh. Lỗi hoàn toàn thuộc về nhà trường và xã hội, trong đó, báo chí cũng góp một phần không nhỏ.
Làm sao kích thích tình yêu văn học nếu không biết nâng niu trân trọng sự sáng tạo và phát hiện riêng của học sinh, dù chỉ là những sáng tạo, những phát hiện rất nhỏ và khi giáo dục bị quy giản vào việc cấp bằng, bị quy giản về việc truyền đạt kiến thức, và nhất là kiến thức trong sách giáo khoa, kiến thức đã qua kiểm soát của các bộ ngành chức năng.
Bạo lực học đường phải chăng là hệ quả tất yếu của nền giáo dục nước nhà khi nó vận hành theo cách thức hiện tại?
NGUYỄN THỊ TỪ HUY
No comments:
Post a Comment