Cách làm tạp chí trong nước 'hạn chế công bố quốc tế '
vnexpress
Cách thức và quy trình làm việc ở các tạp chí lâu nay của Việt Nam là một trong những nguyên nhân hạn chế việc xuất hiện các nghiên cứu trong nước trên các tạp chí học thuật quốc tế.
Các thảo luận trước
nêu các vấn đề lớn như môi trường làm việc chưa phù hợp, kinh phí cho
nghiên cứu hạn hẹp và ít khả năng tiếp cận các nghiên cứu ngoài nước,
khiến các nhà nghiên cứu trong nước có ít bài đăng trên các tạp chí khoa
học quốc tế.
Tuy thế, theo anh Hoàng Văn Chung, nghiên cứu sinh
ngành Nhân học, Trường Đại học La Trobe, Melbourne, Australia, một
nguyên nhân đáng chú ý nữa hạn chế việc xuất hiện của các nhà nghiên cứu
trong nước trên các tạp chí khoa học thế giới là do cách thức và quy
trình làm việc tại các tạp chí phổ biến lâu nay trong nước.
Những thông tin dưới đây dựa vào kinh nghiệm của anh
từng làm việc cho một tạp chí khoa học trong nước nhiều năm và bản thân
vừa có bài đăng tạp chí khoa học quốc tế.
Chuyện ở ta
Đối với các tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt lĩnh
vực khoa học xã hội và nhân văn, cho đến giờ quy trình phổ biến để một
bài báo - đồng nghĩa với một công trình nghiên cứu khoa học - được đăng,
vẫn là như sau: Trước tiên tác giả gửi bài đến tạp chí, chủ yếu dưới
dạng file hoặc bản in từ máy tính thông qua bưu điện hoặc trực tiếp tác
giả tới tòa soạn. Sau đó Ban biên tập sẽ xử lý các phần việc như đọc
tổng duyệt để quyết định đăng được hay không, giao cho biên tập viên xử
lý nội dung, hiệu đính thông tin và tài liệu trích dẫn, cuối cùng đọc
duyệt lần cuối trước khi giao cán bộ kỹ thuật chỉnh sửa hình thức và
tiến hành in.
Mặc dù các tạp chí đều có Hội đồng biên tập hoặc Hội
đồng tư vấn khoa học, nhưng họ thường một năm chỉ gặp mặt một lần vào
dịp họp cộng tác viên. Về phía tác giả, ngoài việc gửi bài đến tạp chí
thì hầu như không tham gia và cũng không quan tâm hay can thiệp gì vào
các khâu còn lại. Sau khi bài đăng, tác giả được trả nhuận bút và một
cuốn tạp chí biếu. Cả thời gian gửi và đăng nhanh có thể là một tháng,
lâu là một năm. Như thế, tính từ khi gửi bài đi, trách nhiệm của người
viết gần như chấm dứt, phần việc còn lại là của ban biên tập.
Hơn nữa, đôi khi tạp chí còn đặt tác giả viết bài
chuyên biệt về nội dung cụ thể liên quan đến số báo đó. Trong trường hợp
đó, việc quan trọng cần tác giả viết bài để có đủ bài đăng. Cách làm
phổ biến này có lẽ chỉ còn độc nhất ở Việt Nam, về cơ bản giống với cách
làm của các tạp chí giải trí (magazine) chứ không giống cách làm của
các tạp chí học thuật quốc tế uy tín (journal) áp dụng.
Nhiều tạp chí khoa học trong nước, đặc biệt lĩnh vực
khoa học xã hội và nhân văn vài năm qua nâng từ 3 tháng/1 số lên 1
tháng/1 số. Về mặt số lượng bài báo được đăng tải rất ấn tượng, đáng để
các tạp chí học thuật quốc tế "ghen tị". Nhưng chất lượng còn nhiều điều
phải bàn.
Kinh nghiệm của tôi là biên tập viên tạp chí cho thấy
rất nhiều trường hợp khi gửi bài tác giả không quan tâm đến việc có tuân
theo văn phong, kiểu phông chữ, cách trích dẫn theo quy định đặc thù
của tạp chí mình hướng đến hay không. Bên cạnh đó, quá nhiều bài báo
trích dẫn rất ít các nguồn tài liệu, nếu trích dẫn cũng chưa phải là các
nguồn tài liệu uy tín và chất lượng nhất.
Tư duy của các bài báo như thế vẫn chủ yếu bám vào mô
hình quen thuộc của thực trạng và giải pháp, hoặc là minh họa cho tính
đúng đắn của chủ trương, chính sách mà ít mang tính phê phán, phản biện
(ở đây tôi muốn nói đến phê phán với nghĩa là động lực cho phát triển).
Khá nhiều bài yếu về logic khoa học, kém về khả năng khái quát thực tế,
đặc biệt ít có tham khảo tới các nguồn tài liệu nước ngoài, ít bài viết
nổi bật lên với cách tiếp cận mới, cách lí luận mới, và những khái quát
sâu sắc. Nhưng chúng vẫn được chỉnh sửa và đăng vì nhiều lý do khác
nhau. Tất cả dẫn đến kết quả không tốt như một học giả nước ngoài từng
nhận xét là đọc công trình của tác giả Việt Nam rất khó trích dẫn.
Chuyện ở xứ người
Đối với tạp chí học thuật quốc tế, việc gửi đăng một
công trình khoa học có quy trình thường thấy như sau: Trước tiên tác giả
tìm hiểu kỹ thứ hạng và uy tín học thuật của tạp chí, văn phong và các
yêu cầu cụ thể về trích dẫn hay số lượng chữ. Sau khi công trình gửi tới
thông qua hệ thống website của tạp chí, ban biên tập sẽ đọc duyệt nhanh
để trả lời là công trình được đăng tải hay không. Một công trình gây sự
chú ý phải là các ý tưởng hay phát hiện mới kèm theo nền tảng lý thuyết
vững chắc.
Nếu có khả năng đăng tải, công trình sẽ được gửi tới
ít nhất là 3 peer reviewers (là những người đọc phản biện vốn có kiến
thức vừa sâu vừa rộng, gần với chủ đề của công trình). Nếu 2 trong 3
người phản biện đồng ý bài đăng, ban biên tập sẽ liên hệ với tác giả đề
nghị chỉnh sửa, bổ sung hay làm rõ những điều người đọc phản biện chuyên
sâu trong báo cáo gửi ban biên tập. Nếu tác giả đồng ý phần lớn các đề
nghị đó, bài viết sẽ được đọc và biên tập bởi biên tập viên của tạp chí
rất kỹ lưỡng. Phản hồi của biên tập viên cũng sẽ được gửi cho tác giả.
Trong trường hợp tác giả chỉnh sửa quá nhiều sau lần góp ý đầu tiên, ban
biên tập sẽ gửi đi phản biện thêm một vòng nữa.
Cho tới nay, mô hình phổ biến nhất là các tạp chí sử
dụng người đọc phản biện là các tình nguyện viên, tức là không trả một
đồng lương nào cho họ. Do đó, thời gian 6 tháng hoặc 1 năm, tạp chí mới
nhận phản hồi từ họ. Điều này khiến một công trình khoa học từ lúc gửi
tạp chí đến lúc đăng mất khoảng 2 hoặc 3 năm là chuyện không hề hiếm,
bài vừa gửi mà đăng ngay là chuyện khó.
Trong quá trình bài báo chỉnh sửa theo ý của ban biên
tập và các người đọc phản biện, tác giả phải làm việc rất nhiều. Việc
giao tiếp giữa tác giả và ban biên tập cũng diễn ra khá thường xuyên.
Bản thân tác giả sẽ được lợi vì công trình nhận được góp ý và giám sát
bởi nhiều bộ não khác nhau và từ các góc độ chuyên môn khác nhau. Từ góc
độ này, tác giả là người cần tạp chí hơn là tạp chí cần tác giả. Khi
tạp chí đăng bài không hề có nhuận bút cho tác giả. Uy tín của tạp chí
học thuật thường dựa vào thứ hạng nó có được và việc đo thứ hạng đó dựa
nhiều vào tần suất các công trình đăng tải được trích dẫn trên phạm vi
quốc tế.
Tôi cho rằng cơ chế và quy trình làm việc khác nhau
cũng hạn chế việc các tác giả công trình khoa học trong nước có bài đăng
trên các tạp chí học thuật quốc tế. Để tạo điều kiện cho tác giả trong
nước góp thêm nhiều tiếng nói ở môi trường học thuật quốc tế, theo tôi
cần nhanh chóng thay đổi thói quen và cách thức làm việc lâu nay của các
tạp chí khoa học trong nước, cũng như nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn làm
tạp chí học thuật phổ biến ở mức độ quốc tế. Nguyên tắc làm khoa học ở
đâu cũng thế, chỉ khi nào đứng cùng một nền tảng kiến thức và ngôn ngữ,
cùng một cách thức làm việc, thì mới có thể cùng tham gia vào thảo luận.
Hoàng Văn Chung
Mời các nhà khoa học chia sẻ kinh
nghiệm đăng trên tạp chí quốc tế trong diễn đàn "Tại sao nhà khoa học
làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí
nước ngoài", bằng cách dùng box "Ý kiến của bạn" hoặc gửi thư tới Khoahoc@vnexpress.net
|
No comments:
Post a Comment