Thursday, December 13, 2012

KHÔNG PHẢI NGHỀ NGHIỆP LÀM VINH DỰ CHO CON NGƯỜI


10/6/2012

'Không phải nghề nghiệp làm vinh dự cho con người, mà chính con người làm vinh dự cho nghề nghiệp". Bạn hãy bình luận câu nói trên và cho biết bạn sẽ làm gì để vinh danh nghề nghiệp mà bạn đã chọn.


Đó là đề thi của bài văn nghị luận khi tôi thi vào trường Đại Học Sư Phạm Huế cách đây 39 năm.
Ngày ấy, để thi vào trường ĐH Sư Phạm Huế, điều kiện là chúng tôi phải đậu Tú Tài toàn. Kỳ thi gồm 2 vòng: một vòng thi viết và 1 vòng thi vấn đáp. Vòng thi viết có 3 ngày, mỗi ngày chỉ thi một buổi, buổi còn lại nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ngày thi sau. Vì thi môn khoa học tự nhiên nên ngày đầu tiên chúng tôi thi 2 phần: phần đầu gọi là thi Kiến thức tổng quát gồm có các kiến thức về lịch sử , địa lý, triết học, văn học, vạn vật học, tin tức báo chí...không chỉ ở trong nước mà trên thế giới. Tôi còn nhớ có 1 câu hỏi về một quốc gia mới được thành lập ở Ấn Độ lúc ấy, 1 câu hỏi nữa về cuộc chiến tranh giữa hai nước Iran và Irac; về Triết học  có câu hỏi :" câu nói con người là một cây sậy có tư tưởng là của ai?"...Phần thứ hai là bài văn nghị luận như đã nói trên. Ngày thứ hai chúng tôi thi Toán, đề thi làm trong 3 giờ. Ngày thứ ba thi hai môn Lý và Hóa cũng làm trong 3 giờ. Tùy theo môn chúng tôi chọn học mà hệ số môn đó được nhân đôi.
Sau vòng thi viết, chúng tôi theo dõi trên báo chí, radio và đài truyền hình để biết danh sách trúng tuyển. Các thí sinh trúng tuyển vòng thi viết được gọi thi tiếp vấn đáp ở vòng hai.

Trong vòng thi vấn đáp, tất cả thí sinh được tập trung vào 1 phòng học. Kỳ thi diễn ra công khai. Hội đồng giám khảo có ba vị. Thí sinh được gọi lên theo thứ tự vần chữ cái. Mỗi thí sinh đứng trên bảng quay mặt về phía hội đồng giám khảo và phía các thí sinh khác để trả lời ba câu hỏi của ba vị giám khảo. Các giám khảo có thể yêu cầu thí sinh trình bày chữ viết trên bảng. 
Những thí sinh mạnh dạn, chững chạc , giọng nói mạch lạc, rõ ràng rất có lợi thế khi vào thi vấn đáp. 
Kỳ thi năm ấy, riêng ngành học của tôi, có 40 trên 465 thí sinh dự thi được đậu vòng viết. Nhưng sau vòng vấn đáp chỉ còn lại 36 người. Trong số đó, có 1 người được cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định cho đậu. Người ấy có khuôn mặt hơi buồn và giọng nói nhỏ rất khó nghe.

Ngày ấy, tất cả SV trường Sư Phạm chúng tôi mỗi tháng được 3.000đ học bổng, riêng nữ được thêm 300đ. Tính ra tiền học bổng hàng tháng gần 1 chỉ vàng. Những anh chị khóa trên còn được trường cho may quần áo trước khi đi thực tập. Nếu học Văn Khoa hay Khoa học thì chúng tôi chỉ cần ghi danh và chỉ có mấy suất học bổng được chọn lựa cho SV nghèo mà thôi.
Lẽ dĩ nhiên, đối với các bạn nam ngày ấy còn có 1 lý do khác để chọn vào trường Sư Phạm là lợi thế 1 năm hoãn dịch. 

Mặc dù, việc tôi chọn thi vào ngành Sư Phạm là theo mơ ước của ba tôi. Và dù cuộc thi đã trải qua gần 40 năm, thật sự đối với tôi vẫn là một niềm vinh dự,  tự hào và hãnh diện. Đề bài văn nghị luận ấy đã theo tôi đi trọn cuộc đời. Câu nói đó như là một lời nhắn nhủ, buộc tôi phải suy nghĩ về nghề đã chọn: chính tôi phải làm vinh dự cho nghề của tôi, không ai khác.
Không phải nghề nghiệp làm vinh dự cho con người. Nghề nào cũng cao quý, và xã hội đều cần đến. Mỗi người với năng lực sở trường riêng của mình sẽ đóng góp cho xã hội những gì mình tâm đắc nhất, thỏa nguyện nhất.

Chúng tôi chưa bao giờ phải xấu hổ hay thất vọng về nghề của mình. Luôn luôn vẫn nhớ và kính trọng những người thầy của mình và tự nhủ lòng phải làm gì để xứng đáng với mong mỏi của thầy.

Xã hội đổi thay, nghề dạy học có lúc trở nên bạc bẽo. Chúng tôi có những khi phải đi cào lá thông để về đun bếp. Có những hôm phải đứng trông xe cho thiên hạ vào giảng đường xem phim. Mà thực ra không phải ai cũng được giữ xe, phải xét theo tiêu chuẩn: nếu anh là phó tiến sĩ trở lên hoặc anh có xe gắn máy thì sẽ không được giữ xe. Thế nghĩa là bữa ăn của anh cũng sẽ đạm bạc hơn!

Thời gian ngắn sau đó, ông Hiệu Trưởng của chúng tôi đã quyết định không để cho giáo viên làm công việc này. Ông mong muốn chúng tôi tập trung thời gian đầu tư cho chuyên môn, ngoại ngữ. Việc giữ xe được nhà trường cho đấu thầu, tiền đấu thầu thu được chia đều lại cho giáo viên....

Hôm nay đọc báo, thấy một vị chức sắc trong ngành giáo dục đưa ra câu: " chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm". Chắc có lẽ thầy giáo ấy muốn biện hộ cho tình trạng "xuống cấp" của "quý thầy cô giáo" qua chuyện "ném phao thi"? Lòng tôi chùng lại, và nhớ đến một kỷ niệm cũ:

Khi bộ GD bắt đầu thay đổi theo hướng để các trường tự ra đề thi..Câu nói trên cũng bắt đầu xuất hiện râm ran trong trường tôi. Một câu nói hoàn toàn khác xa truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân miền Trung vốn chuộng học hành, lễ nghĩa. Người ta  xì xào trường này điểm chuẩn cao, trường kia điểm chuẩn thấp..
Vị Giám đốc ĐH lúc ấy đã có một quyết định khá mạnh bạo và sáng suốt: Thay vì ra nhiều đề thi giữa trường nọ, trường kia cùng trong Đại học, ông đã quyết ra một đề thi chung. Kết quả cho thấy điểm số thi vào Sư Phạm cao và hoàn toàn không thua kém các trường khác. Đó là câu trả lời hết sức rõ ràng và thuyết phục. Cho đến hôm nay cũng thế , điểm số thi vào ngành Sư Phạm hoàn toàn không thấp hơn những ngành khác trong  ĐH Huế, thậm chí trong nhiều năm liền điểm chuẩn vào Sư Phạm có phần cao hơn.

Trường chúng tôi vừa kỷ niệm 55 năm thành lập trường. Mãi mãi chúng tôi yêu mến ngôi trường của mình, yêu công việc của mình và mọi thành công vững bước của các em học sinh là những món quà hết sức quý giá đối với chúng tôi.

Hôm nay, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng đối với tôi bài văn nghị luận của bước đầu chập chững vào đời vẫn còn vang vọng mãi:
KHÔNG PHẢI NGHỀ NGHIỆP LÀM VINH DỰ CHO CON NGƯỜI MÀ CHÍNH CON NGƯỜI LÀM VINH DỰ CHO NGHỀ NGHIỆP.


37 comments:

  1. phamngocthienan wrote on Jun 10
    :D hay í

    ReplyDelete
  2. songthu wrote on Jun 10
    Đúngggg rồiiiii !

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Nhiều người từ địa vị của mình mà ngộ nhận,cứ nghĩ mình cao quý hơn người khác tất thảy ST nhỉ?:)

      Delete
    2. songthu wrote on Jun 10, edited on Jun 10
      Dạ ... Chị cho phép em giới thiệu bài nhé ? :)

      (Nhiều nhứt trong số đó, thường lại là những người "có chức" :)

      Delete
    3. linalol wrote on Jun 10

      Há há....:))) Có khi thành tâm bệnh rồi cũng nên :((

      Delete
  3. smilenguyen wrote on Jun 10, edited on Jun 10
    KHÔNG PHẢI NGHỀ NGHIỆP LÀM VINH DỰ CHO CON NGƯỜI MÀ CHÍNH CON NGƯỜI LÀM VINH DỰ CHO NGHỀ NGHIỆP.
    Chính xác. Và theo em thì chỉ có người xấu chứ không có nghề nào xấu đâu chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Khi mình biết yêu công sức của mình bỏ ra, hiểu rõ giá trị lao động chân chính thì mình sẽ làm cho nghề của mình thăng tiến phải không Smile?

      Delete
  4. hanggraphic wrote on Jun 10
    Sau bao nhiêu năm làm cô nuôi dạy trẻ em mới thấm được cái ý đó chị à.
    Giờ thì đã khác rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Hangr chắc chắn cũng yêu nghề của mình lắm:)

      Delete
  5. sydney2000 wrote on Jun 10
    "KHÔNG PHẢI NGHỀ NGHIỆP LÀM VINH DỰ CHO CON NGƯỜI MÀ CHÍNH CON NGƯỜI LÀM VINH DỰ CHO NGHỀ NGHIỆP.". Yes ! I couldn't agree more !

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Hihi..và Syd cũng sẽ làm vinh dự cho nghề mà Syd đã chọn:)

      Delete
  6. linalol wrote on Jun 10, edited on Jun 10
    Trong cách thi để chọn người thầy ngày xưa đã có chủ đích tìm một sự hài hòa về năng lực chuyên môn và nhân văn. Ngày nay cho dù thi Y khoa, Dược Khoa, Bách Khoa, Mỏ, Hàng hải, Kinh tế, Sư phạm..nếu đã thi khối A thì thi 3 môn Toán, Lý, Hóa đề y như nhau thống nhất cả nước.
    Học sinh chỉ chăm chú mấy môn thi nên học lệch, sự phát triển văn hóa xã hội bị xem nhẹ đối với người đi các ngành khoa học. Ngược lại, những ai đi ngành xã hội thì kiến thức khoa học liên quan đến đời sống xung quanh cũng hụt hẫng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. songthu wrote on Jun 10
      Học lệch từ nhỏ chị ạ, thấy vậy, biết vậy, nói vậy, nhưng chưa thay đổi được mọi người, bởi vì đầu chưa xuôi, đuôi chưa lọt .

      Delete
    2. linalol wrote on Jun 10

      Lẽ ra phải chú ý kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thật chuẩn để chuẩn bị hành trang thật tốt cho lớp trẻ bước vào đời.

      Delete
  7. huynhtran wrote on Jun 10
    linalol said:
    " ông Hiệu Trưởng của chúng tôi đã quyết định không để cho giáo viên làm công việc này. Ông mong muốn chúng tôi tập trung thời gian đầu tư cho chuyên môn, ngoại ngữ. Việc giữ xe được nhà trường cho đấu thầu, tiền đấu thầu thu được chia đều lại cho giáo viên...."
    Thầy Hiệu trưởng làm một việc rất đúng trong thời buổi đó, thầy đã thu được nhân tâm trong lãnh vực quản lý.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Dạ, Thầy ấy được kính trọng không những đối với giảng viên trẻ mà còn đối với các thầy cô giáo cũ ở lại. Lúc ấy Thầy mới lên làm hiệu trưởng.

      Delete
  8. huynhtran wrote on Jun 10
    Linalol ơi! gửi bài này cho một tờ báo nào đó đi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10, edited on Jun 10
      huynhtran@: Dạ, mình trao đổi với nhau ở đây , cùng tâm sự vậy là vui rồi:))

      Delete
  9. songthu wrote on Jun 10, edited on Jun 10
    @ Chị linalol :

    nhưng oái oăm thay, kỳ thi đó cũng chỉ được nhiều người coi là ...một bước đệm, hoặc một cây cầu nối , nghĩa là chỉ như một điều kiện cần (dĩ nhiên vẫn còn thiếu điều kiện đủ)

    VD : Những chế độ chính sách đãi ngộ, sự quan tâm đến hs đi thi HS Giỏi các cấp hiện nay, vẫn có rất nhiều điều tưởng là rất có lý mà thực ra vẫn ...vô lý (bất hợp lý) . Hic!

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10
      songthu said

      Mình đang suy nghĩ và muốn viết một bài về vấn đề này.

      Delete

  10. nguyentuanphi wrote on Jun 10
    Hề hề hề....May mà nghề bán báo còn có tui :))

    ReplyDelete
  11. tuoithotoi wrote on Jun 10:
    linalol said:
    "Không phải nghề nghiệp làm vinh dự cho con người, mà chính con người làm vinh dự cho nghề nghiệp"

    Hay!

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Nhiều khi ta chán nản buồn bực với cái nghề của mình chỉ vì cái nhìn không đúng của xã hội phải không em?

      Delete
  12. penseenguyen wrote on Jun 10
    Người ta vẫn quen nhìn người qua cái nghề, nên mới sai lầm.
    Trong xã hội nhiễu nhương ngày nay thì cái nghề không nói lên được con người. Và nhiều người đã làm nhục một cái nghề. Nhưng ở một số nước phát triển, thì khi cần, người ta đòi hỏi anh có một lý lịch có 2 người làm chứng, người đó phải là giáo viên hoặc bác sĩ, kỹ sư. Điều đó cũng đáng quan tâm?

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Khi xin học bổng ở nước ngoài, người ta đòi hỏi có sự giới thiệu của 1 giáo sư.

      Delete
  13. tongngoclinh wrote on Jun 10
    Hôm nay em lại nghiệm ra được một cách sống nữa rồi nè , cám ơn chị , cám ơn bài viết hay hiiiiiiiiiiiiiiiiiiii

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 10

      Cám ơn Ngọc Linh. chúc Ngọc Linh ngày vui nhé:)

      Delete

  14. petercuongkt wrote on Jun 11, edited on Jun 11
    Trong xã hội nhân sinh, có đến muôn vạn ngành nghề lương thiện khác nhau, và nghề nào cũng cao quý cả! Điều quan trọng là ta có thực sự yêu nghề mình đã chọn không? Tình yêu nghề nghiệp sẽ giúp ta luôn tự trau giồi bản thân ngày càng thăng tiến hơn, xứng hợp với nghề mình đã chọn.
    Riêng ngành giáo dục, mỗi giáo viên được xem là một kỹ sư tâm hồn. Việc giáo dục trẻ trở thành một công dân tốt có bao gồm trách nhiệm của thầy cô đào luyện, uốn nắn tâm hồn các em, luôn đặt nặng vấn đề giúp các em thực hành thật tốt các môn công dân, đức dục ngang bằng hoặc hơn các môn học khác.
    Nghề dạy học từ xưa tới nay vẫn luôn được xã hội đề cao và tôn trọng
    Niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao nhất của các thầy, cô là được trông thấy tận mắt, nghe tận tai những bước tiến thành công rạng rỡ trên đường đời của học trò mình không chỉ về trí tuệ mà còn về đạo đức nữa!
    Chúc mừng cô linalol đã thành công trong sự nghiệp của mình khi nhìn lại quãng thời gian đã qua!

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 11
      Pet@: Dạ, cám ơn lời chúc của anh. Lin. nghĩ rằng trên đất nước này có hàng nghìn hàng triệu người thầy giáo, cô giáo đang âm thầm lặng lẽ góp hương cho đời.

      Việc nhiều người dè bĩu về một ngành nghề nào đó là điều không nên, không phải. Trong khi chúng ta nói với nhau rằng:" Vì lợi ích trăm năm trồng người", mà lại khinh chê dè bĩu nghề dạy học, không tạo điều kiện cho thầy cô giáo yên tâm làm việc thì đó là một điều trái khoáy vô cùng!

      Delete
  15. kimdungvu wrote on Jun 15
    bài viết hay và tâm huyết lắm bạn hiền ạ ,may mắn vì đất nước mình còn có bạn và nhiều người tử tế khác .

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jun 15
      KD@: Cám ơn bạn hiền:) Mình nghĩ là rất nhiều người VN làm nhiều hơn nói vì vậy mà mình không biết đó thôi.

      Delete
  16. caonguyenbui wrote on Jul 15
    Thời em học (90-94) thì phải thi chuyển giai đoạn từ năm 2 lên năm 3. Trường ĐHCT chỉ có 2 ngành lấy điểm tuyển thẳng chuyển giai đoạn cao nhất là kinh tế ngoại thương và sư phạm Anh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. linalol wrote on Jul 15

      Thời của em (90-94)là có chương trình Đại Cương. Cũng có những thí sinh ngày từ đầu chọn ngành Sư phạm. Tuy nhiên cũng có những sinh viên sau khi học Đại cương mới có nguyện vọng vào Sư phạm.

      Delete
  17. Nhìn lại quãng đường đời đã đi qua thấy mình đã đi đúng hướng, thật hạnh phúc, cô Linalol nhỉ!
    20-11-2013
    peter cuong kt

    ReplyDelete
  18. Hôm nay mới đọc comment của anh Cuong. Chúc anh vui khỏe , cám ơn anh nhiều. :)

    ReplyDelete