Wednesday, April 30, 2014

Phê bình chính trị của Đỗ ngọc Yên đối với luận văn Nhã Thuyên

http://thuctu.blogspot.com.au/2014/04/phe-binh-chinh-tri-cua-o-ngoc-yen-oi.html#more

- "...khi đọc kỹ luận văn của Đỗ Thị Thoan, người ta chẳng hề thấy phản biện thơ ca đâu, mà chỉ thấy sự cổ vũ nhiệt thành, sự kích động mạnh mẽ cho những phần tử nổi loạn và phản kháng xã hội."
- "...để nhận được tiền tài trợ buộc Đỗ Thị Thoan phải tiến từ phản biện thơ ca đến phản kháng xã hội như một logic tất yếu, mà những kẻ chống đối Nhà nước ta ở trong và ngoài nước luôn chú tâm, coi đó là một mục tiêu tối quan trọng cần đạt tới. Thậm chí, vì làm tiền mà Đỗ Thị Thoan sẵn sàng bán đứng tất cả những điều thiêng liêng nhất mà lương tâm người trí thức cũng như pháp luật nước ta không cho phép."
- "Mượn cớ nghiên cứu khoa học thông qua cái gọi là luận văn cao học, Đỗ Thị Thoan không chỉ bênh vực mà còn tiếp tay và tự cho mình là người đồng tham dự vào cái gọi là thực hành thơ của những phần tử giả danh thơ trong nhóm Mở Miệng để chống đối xã hội. "
- "Nhã Thuyên còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ, đòi thiết lập một chế độ đa nguyên chính trị"
Đọc chi tiết: "Thực chất vấn đề đằng sau cái gọi là VỊ TRÍ CỦA KẺ BÊN LỀ (1)
(Đỗ Ngọc Yên)"
http://nguyenhuuquy.vnweblogs.com/print/2195/451867

Về Đỗ Ngọc Yên:
(http://giadinh.net.vn/van-hoa/nha-van-do-ngoc-yen-bi-to-dao-van-20110415031511326.htm, 16/4/2011)
(http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/kieu-viet-chan-dung-cua-do-ngoc-yen.html#, 12/4/2011)

Thực chất vấn đề đằng sau cái gọi là
VỊ TRÍ CỦA KẺ BÊN LỀ (1)
Đỗ Ngọc Yên
Khởi xuất từ bản tham luận của tác giả Chu Giang (Nguyễn Văn Lưu) tại Hội nghị Lý luận, phê bình văn học Toàn quốc lần thứ III ở Tam Đảo, tháng 6/2013, cùng các bài in trên Văn nghệ TPHCM, phê phán bản luận văn cao học Vị trí của kẻ bên lề…, của Đỗ Thị Thoan gây bức xúc cho nhiều người tham dự Hội nghị này. Đến nay trên nhiều báo viết và các trang mạng đã dấy lên một làn sóng  Phản kháng lại sự phản kháng của những kẻ phản kháng. Ở bài viết này chúng tôi đi sâu tìm hiểu thực chất vấn đề đằng sau bản luận văn này.  
I. Từ cái gọi là phản biện thơ ca đến phản kháng xã hội và xuyên tạc lịch sử
Dưới danh nghĩa của một luận văn cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, có cái tên khá hot: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng - Từ góc nhìn văn hóa, có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là một luận văn khoa học mang tính chất phản biện, những mong khai phóng ra một hướng đi mới cho thơ ca Việt đương đại. Thế nhưng, khi đọc kỹ luận văn của Đỗ Thị Thoan, người ta chẳng hề thấy phản biện thơ ca đâu, mà chỉ thấy sự cổ vũ nhiệt thành, sự kích động mạnh mẽ cho những phần tử nổi loạn và phản kháng xã hội.  
Trên trang damau.org ở loạt bài mang tên Những tiếng nói ngầm với bút danh Nhã Thuyên đã thú nhận: “Luận văn cao học của tôi Vị trí của kẻ bên lề,… đã bảo vệ vào năm 2010 tại khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Với tôi, nó chẳng có gì đáng kể, cũng như mọi công việc tôi đã/đang làm. Phần nhiều linh tinh lang tang (2) (Tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y). Nhưng đến năm 2012, cũng trên mạng này (trụ sở đặt ở nước ngoài) và trên blog cá nhân của Nhã Thuyên với chủ đềNhững tiếng nói ngầm ở mục Tiểu luận 3, Nhã Thuyên đã đặt tên: Cuộc nổi dậy của rác thải - đây là tiểu luận về Mở Miệng, và thực ra có thể xem là sự viết lại luận văn cao học của tôi (Tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y).
Đồng thời Nhã Thuyên cũng không giấu giếm ý đồ của mình, dùng luận văn như một cái bàn đạp để: triển khai theo hướng cá nhân hơn, riêng tư hơn, và thấu đáo hơn: đó là xuất phát điểm của dự án Những tiếng nói ngầm. Tôi apply grant (quan tâm đến khoản tiền tài trợ này) của ANA, một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập ở châu Á… Thời điểm đó, ở VN, hầu như chỉ có các nghệ sĩ visual art (nghệ thuật thị giác) apply các tài trợ nghệ thuật, và tôi muốn thử tìm các cơ hội tài trợ cho văn chương.  
Vậy là ý đồ của Nhã Thuyên đã rõ ràng. Chỉ có điều để kiếm được tiền của một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập của nước ngoài thì chắc chắn là ông mất chân giò, bà phải thò chai rượu là chuyện đương nhiên. Theo đó, Đỗ Thị Thoan đã chọn thơ của nhóm Mở Miệng để vừa khảo sát phục vụ cho dự định làm tiền trong tương lai, vừa đóng cho mình một cái mác Thạc sĩ bằng một luận văn cao học. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc để nhận được tiền tài trợ buộc Đỗ Thị Thoan phải tiến từ phản biện thơ ca đến phản kháng xã hội như một logic tất yếu, mà những kẻ chống đối Nhà nước ta ở trong và ngoài nước luôn chú tâm, coi đó là một mục tiêu tối quan trọng cần đạt tới. Thậm chí, vì làm tiền mà Đỗ Thị Thoan sẵn sàng bán đứng tất cả những điều thiêng liêng nhất mà lương tâm người trí thức cũng như pháp luật nước ta không cho phép.  
Dù biết quá rõ cái gọi là thơ của nhóm Mở Miệng, từ năm 2002, hầu hết các xuất bản phẩm photocopy của nhóm này đã bị cơ quan chức năng thu hồi và thiêu hủy, rồi sau đấy một thời gian, một trong số những người đồng sáng lập ra nhóm này và phụ trách cái gọi là Nhà xuất bản Giấy vụn là Bùi Chát bị bắt, điều tra về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước và quảng bá các ấn phẩm văn hóa khi chưa được cấp phép, nhưng Đỗ Thị Thoan vẫn quyết chọn loại thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa này để triển khai ý định của mình.
Đỗ Thị Thoan đã vơ váo một cách sống sượng lý thuyết Giải trung tâm của Derrida rồi áp vào cho nhóm Mở Miệng và những cái gọi là thơ của họ mà cô cho là cái bên lề của cái trung tâm, cái chính thống để đi tìm một thứ Mỹ học của Cái Khác. Theo đó, tác giả đẩy vấn đề thành một cuộc giải trung tâmgiải chính thống từ góc độ văn hóa sang góc độ chính trị- xã hội. Làm như vậy, Đỗ Thị Thoan có thể qua mặt được Tổ trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái nôi lớn nhất cả nước đã, đang sản sinh ra các nhà giáo, những người trồng người cho đất nước này, cùng một số vị sư, sĩ khác trong Hội đồng chấm luận văn, nhưng không thể đánh lừa được công chúng vốn luôn trân trọng, nâng niu những giá trị của văn hóa dân tộc và luôn căm ghét sự lập lờ đánh lận con đen, mượn chuyện văn chương chữ nghĩa để cài đặt những ý đồ chính trị thâm hiểm.
Đỗ Thị Thoan càng không thể đánh lừa được cộng đồng khi mà cô công khai bênh vực cho những kẻ nổi loạn: Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ…Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng chống lại một thứ quyền lực “vô hình” trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu Bắc Hà và họ tạo thành một nhóm chơi (trò) chơi thơ với sự thống nhất về bản sắc, ý hướng, dù thực hành cá nhân mỗi người lại khác nhau. Phản ứng của những người tin tưởng vào Cách mạng của quá khứ (tức nhóm Nhân văn Giai phẩm) cũng hoàn toàn khác với phản ứng có tính chất phá bỏ, giễu nhại, thiếu nghiêm trang của Mở Miệng (tr. 32).
Xin nói thêm rằng, hiện tượng Đỗ Thị Thoan hoàn toàn khác với nhóm Nhân văn giai phẩm trước đây về thời điểm lịch sử, bối cảnh văn hóa, chính trị và loại hình hoạt động, khi một bên phần lớn là sáng tác văn chương và một bên là nghiên cứu khoa học. Nhưng ở đây cần phân biệt rõ ràng tư cách nghệ sĩ, nhà khoa học và tư cách công dân. Các sáng tác có giá trị của một số tác giả sau này, khi phong trào Nhân văn giai phẩm đã qua đi và sau gần nửa thế kỷ, chúng được trao Giải thưởng Nhà nước, không hề xuất hiện trên các ấn phẩm như Giai phẩm mùa XuânGiai phẩm mùa Thu của nhóm này. Những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật vẫn sống mãi với thời gian và luôn được công chúng đón nhận. Có nghĩa là các nhà văn này vẫn sáng tác với tâm thế của người nghệ sĩ tự đặt mình trong dòng chính, chứ không phải với tâm thế của những kẻ bên lề, còn những tư tưởng, hành vi chính trị của họ khi đòi xét lại đường lối văn nghệ của Đảng lúc bấy giờ, đòi thay đổi thể chế thì bản thân những người ấy đã tự đặt mình sang vị trí của kẻ bên lề của cuộc cách mạng dân tộc và họ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Đây là hai khía cạnh rất khác nhau khi xem xét về một hiện tượng văn hóa- chính trị nhạy cảm và phức tạp như vụ Nhân văn giai phẩm. Đỗ Thị Thoan rõ ràng là hồ đồ khi bình luận một cách sai lầm về hiện tượng này. Lạ ở chỗ, như các cụ ta thường nói nó lú, có chú nó khôn, nhưng trong trường hợp nàycác chú nó dường như cũng đã mất khôn rồi?
Với tư cách công dân, thái độ của Đỗ Thị Thoan cố tình cổ vũ, vào hùa với những kẻ nhân danh thơ để chống đối, phản kháng lại trật tự xã hội, đòi lật đổ chế độ là không thể chấp nhận được. Để có được độc lập, tự do và thống nhất tổ quốc, chúng ta đã phải trả giá bằng mạng sống của hơn một triệu liệt sĩ và sương máu của hàng triệu thương bệnh binh trên khắp mọi miền đất nước.
Không phải là ngẫu nhiên mà Đỗ Thị Thoan cố tình tạo nên một sự đối lập giả tạo giữa các sĩ phu Bắc Hà với các nhà thơ miền Nam, giữa Hà Nội và Sài Gòn. Đây là một âm mưu chia tách, đối lập hai miền Nam- Bắc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố quan trọng để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và vượt qua khó khăn trong xây dựng đất nước sau chiến tranh được như ngày hôm nay. Việc làm ấy nhằm tạo nên một làn sóng nổi lọan, phản kháng, quy tụ những ai không thấu hiểu âm mưu của các thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước đang tìm cách chống lại sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và chế độ xã hội ta, thông qua cái gọi là quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập châu Á và một vài tổ chức, cá nhân khác mà Đỗ Thị Thoan đang hy vọng từ vụ này sẽ tạo nên động lực cho những kẻ bên lề khác cất lên tiếng nói từ phản biện tới phản kháng của mình để tiến vào trung tâm trong một ngày đẹp trời nào đó.
Đỗ Thị Thoan đã viết: Tôi cho là cần thiết việc đề cập tới một phân lập không gian trong cách nhìn về văn chương Việt Nam đương đại, cụ thể là sự phân lập Hà Nội- Sài Gòn… Sự phân lập Hà Nội như một trung tâm của cái chính thống, và Sài Gòn là không gian của cái bên lề, những phân lập trong nước - hải ngoại mang tính chất lịch sử khắc nghiệt như di chứng của một quá khứ chia cắt, của những chấn thương lịch sử lớn chưa được làm sáng tỏ, gắn với những cuộc di cư của người Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954, cuộc di cư của người Việt ở Sài Gòn sang Cali hay Úc và nhiều nơi khác, sự chia cắt hai miền trong một thời kì dài (1954-1975)….
Chính những kẻ hô hào chuyển lửa về quê nhà, đưa mùa xuân Arap tới Việt Nam đã từng làm tất cả để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, để chia rẽ các thế hệ  người Việt Nam, đứng đằng sau cổ vũ cho Nhã Thuyên- Đỗ Thị Thoan khiến cô đi xa hơn một bước có vẻ như từ sự sai lầm ngây thơ khi làm luận văn nói trên, đến việc triển khai mở rộng, làm sâu sắc hơn và công bố hàng loạt các tiểu luận trên những trang mạng có xuất xứ từ nước ngoài. Bọn chúng mới thực là những kẻ có lãi trong thương vụ  văn chương- chính trị này.
Vậy mà tiếc thay có không ít người mơ hồ hoặc đã lập lờ đánh lận con đen, khiến công chúng, bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ nhầm hiểu rằng dường như đang xuất hiện một vụ Nhân văn giai phẩm mới, mà gần đây nhiều tờ báo và các phương tiện truyền thông trong nước đã thẳng thắn lên tiếng phê phán quyết liệt vụ việc này?
II. Giễu nhại, giải thiêng không phải là tiếng nói khoa học
Mượn cớ nghiên cứu khoa học thông qua cái gọi là luận văn cao học, Đỗ Thị Thoan không chỉ bênh vực mà còn tiếp tay và tự cho mình là người đồng tham dựvào cái gọi là thực hành thơ của những phần tử giả danh thơ trong nhóm Mở Miệng để chống đối xã hội. Họ đòi quyền cho cái bên lề thông qua việc giải trung tâmgiải chính thốnggiải ý thức hệgiải cộng sản và giễu nhại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhã Thuyên đã công khai bênh vực cho những lời lẽ xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, qua việc trích dẫn và bình phẩm sự giễu nhại của Bùi Chát về tác phẩm Đường Kách mệnh của Người.  
Nhã Thuyên còn cao giọng lập luận rằng: Tôi muốn làm nổi lên qua các tiểu luận hình ảnh của một không gian văn học năng động với những tác giả tỏ ra cam kết với lựa chọn phản biện và đổi mới văn chương, những người dường như đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo một năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế…Lịch sử không còn được là một sự thật, nó bị hoài nghi, và bản thân lịch sử hoài nghi chính nó, nó bị nhạo báng, và bản thân nó là một nỗi nhạo báng…Những cuộc lật mặt nạ liên tục diễn ra dưới hình thức phủ định, chơi đùa, hay mua vui với việc kể chuyện tiếu lâm lịch sử. Như thể chỉ cần gỡ bỏ những tấm áo đạo đức thần thánh đang choàng lên lịch sử, chúng ta có thể vạch mặt sự gian xảo của nó, tội lỗi của nó, chúng ta có thể tìm lại gương mặt đã bị giày xéo và bị xóa hết các đường nét của chúng ta… các nhà thơ Mở Miệng đã tiếp nhận nghệ thuật phương Tây, với Dada, Pop Art đồng thời dùng các phương cách được tiếp nhận này như một thái độ, một dạng phản ứng với quá khứ với một thái độ hủy diệt và lật đổ trong sự nhạo báng: quá khứ văn chương trở thành một bãi rác vô tận mà họ được quyền nhặt nhạnh để sử dụng lại
Trong các tài liệu nói trên, Nhã Thuyên đã quy cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười:… khẳng định tư tưởng bảo thủ về văn nghệ bằng cách tái chế (Tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y) định nghĩa về Đổi Mới: Văn học ta chỉ có thể Đổi Mới đúng hướng trong sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta theo hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của ĐảngNhã thuyên cho rằng: Tuy nhiên, đến thời kì Hậu Đổi Mới, vai trò của các nghệ sĩ cấp tiến và trí thức không được trọng dụng hay ít cơ hội được thể hiện, quan hệ trực tiếp với lãnh đạo, kể cả các lãnh đạo văn nghệ sẽ lỏng lẻo hơn; tờ Văn Nghệ với một bộ phận người trẻ dần trở thành hình ảnh của một ý hệ lỗi thời, khó thay đổi. Tôi nghĩ sẽ công bằng hơn khi nhìn các diễn đàn chính thống này không phải như những cơ quan tuyên truyền về văn nghệ, mà đúng hơn, là những diễn đàn chịu sự đàn áp cao độ về ý thức hệ và buộc phải dung hòa những khía cạnh tuyên truyền và nhu cầu làm văn chương, nghệ thuật thực sự, một nhu cầu chân thực luôn ít nhiều đẩy bất cứ người viết nào tới trạng thái khác biệt với ý thức hệ chính thống của nhà nước, nhất là ở những quốc gia mà mô hình thể chế không chấp nhận sự đa nguyên tư tưởng...  (Tôi nhấn mạnh- Đ. N. Y)
Đẩy xa vấn đề thêm một bước nữa, Nhã Thuyên còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo của nghệ sĩ, đòi thiết lập một chế độ đa nguyên chính trị: Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép… (tr. 37). Và cuối cùng, tác giả đã công khai thái độ đồng lõa với tư tưởng chống Cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ ta, mà Mở Miệng chỉ là một nhóm nhỏ, trong đó:Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một vần nằm ở từ khóa Cộng SảnBùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ... (tr. 71).
Nhã Thuyên tiếp tục viết: Cuộc chiến đấu để phá vỡ tính chất đơn nhất của ý thức hệ mà nhà nước muốn duy trì ít nhiều trở nên xa lạ với nhiều người trẻ, bởi ý thức hệ theo mô hình Marx Lenin này đã tự tan rã và phần nhiều chỉ là những tuyên truyền trống rỗng, trong khi đó, thị trường tạo một áp lực lớn khác lên văn chương, trong đó các thể loại phi thương mại hoặc những nỗ lực cách tân tất yếu sẽ bị chèn ép… Thực chất đây là sự ủng hộ và kêu gọi cho đa nguyên chính trị.
Nhã Thuyên cho rằng chế độ ta là đặc thù của xã hội Việt Nam, một không gian xã hội nóng bỏng và căng thẳng cao độ với chính sách truyền thông và văn hóa hà khắc, đang ngầm ẩn những bức bối, môi cảnh cho những phá phách, hỗn loạn, hư vô. Và cô kêu gọi: Để trở thành những người cách mạng, thậm chí, các nhà thơ phải hi sinh cả những tiềm năng bứt phá của nội tâm cá nhân cho một ý hướng tiên phong và có thể kích thích các thực hành tập thể…. Nhã Thuyên coi thủ pháp giễu nhại như là một thái độ hủy diệt mọi thành tựu quá khứ này tiếp tục cái gọi là tính chất lật đổ, đầy nhạo báng, một cách có ý thức (tr. 91) hữu hiệu nhất.
Vì thế theo Nhã Thuyên thì: Chủ yếu mảng thơ bất đồng chính kiến này là những tiếng nói chống lại sự đàn áp tự do và kêu gọi cho dân chủ, đặc biệt tấn công vào những (niềm tin) giá trị của quan điểm chính thống, gắn với quyền lực của nhà nước và cùng với nó, những quan điểm và những tác giả, tác phẩm văn chương được vinh danh, được bảo lưu thông qua giáo dục trong trường học và cơ chế ứng xử văn hóa ở Việt Nam. Chủ đề giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh, chống lại sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh, phê phán chế độ cộng sản, bình luận và giễu nhại về hiện thực xã hội chủ nghĩa (Tôi nhấn mạnh- Đ.N.Y) của Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Viện, Nguyễn Đăng Thường, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ,…Thơ bất đồng chính kiến đã tỏ thái độ trực diện trong quan hệ với quyền lực của thể chế, với nhu cầu phá hủy quyền lực đó, và liên đới với ý thức về dân chủ, cũng như phong trào dân chủ trong những hành động trực tiếpCộng Sản được nhìn như một biểu tượng của sự khống chế tư tưởng và do đó, trở thành một đích nhắm của thơ ca trong cuộc tấn công vào ý thức hệ chính thống này. Tôi muốn mượn một bài thơ của Bùi Chát, trong tập thơ - chính trị Bài thơ một vần với chủ âm là từ “cộng sản” để hình dung không gian chính trị chính của mảng thơ này, trong một hình ảnh có tính chất ẩn dụ, sự ám ảnh về màu đỏ, và cùng lúc, ý thức và nhu cầu xóa bỏ màu đỏ ấy,...
Thiết nghĩ, không cần bình luận thêm vì những điều nói trên đã quá rõ bộ mặt thật của Nhã Thuyên- Đỗ Thị Thoan, kẻ tự cho mình là người tham dự vào nhóm những phần tử chống đối, muốn lật đổ chế độ, bằng những luận điệu xuyên tạc và vu khống với hàng chục kiểu loại của cái gọi là giải thiêng bằng thủ pháp giễu nhại các thần tượng của dân tộc như Đảng, Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Marx- Lê nin,… xuyên tạc sự thật lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Liệu như thế có xứng đáng là một luận văn cao học được Hội đồng chấm thi cho điểm tuyệt đối 10/10 không? Có lẽ cái gọi là Hội đồng luận án cao học có cần phải xem lại phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, tư cách sư, sĩ, khi hàng ngày, hàng giờ họ vẫn đứng trên bục rao giảng tinh thần yêu nước, sự trung thành với chế độ, tuân thủ hiến pháp và pháp luật hay không? Câu trả lời xin dành cho các nhà chức trách.   
Đ.N.Y
Hà Nội, 22/7/2013- 28/4/2014
…………………
(1). Đỗ Thị ThoanVị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, mã số 602234. Bản luận văn được Hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chấm điểm 10/10, năm 2010 và hiện được lưu trữ tại thư viện trường này.
(2). Từ đây về sau tất cả những chỗ in nghiêng, đậm mà không có chú thích trang đều trích từ Những tiếng nói ngầm đăng tải trên Damau.org và blog cá nhân của Nhã Thuyên.

No comments:

Post a Comment