NGHỊCH LÝ VĂN CHƯƠNG
VÀ THÔNG ĐIỆP ĐẪM MÁU
(Nhân đọc “PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”
đăng trên vanvn.net ngày 19.4.2014)
đăng trên vanvn.net ngày 19.4.2014)
Hà Nhân
Bài nhận xét luận văn thạc sĩ của Đỗ
Thị Thoan do PGS.TS Phan Trọng Thưởng viết khá dài, ước chừng khoảng 10
trang A4. Đọc đi đọc lại thì thấy có nhiều chỗ “bi hài thống thiết” nên
phải viết ra đây, coi như lời tản mạn, nhàn đàm của một “thảo dân” biết
chữ.
1. Nghịch lý thứ nhất: Luận văn phức tạp, còn lời nhận xét thì đơn giản ngoài sức tưởng tượng.
Tôi cho rằng luận văn của Đỗ Thị
Thoan rất phức tạp trên nhiều phương diện: vấn đề phức tạp, phương pháp
phức tạp, câu chữ phức tạp, kết luận phức tạp, dư luận phức tạp.
Vấn đề phức tạp: vì đối tượng nghiên cứu không chỉ là nhóm Mở Miệng và thơ của nhóm này mà là vấn đề “thực hành thơ” dưới góc nhìn “văn hóa”. Không thể phiên dịch “thực hành thơ” chỉ là làm thơ (bởi nội hàm nó rộng hơn, còn có nghĩa là “nghịch thơ”, “chơi thơ”, v.v…), ở đây cần hiểu là một hành vi sáng tạo chưa định danh, một xu thế về thể loại. Nghiên cứu một xu thế văn chương cũng giống như giải một bài toán về quĩ tích, tìm một điểm M vô hình nào đó luôn động của một tập hợp điểm, phức tạp quá chứ còn gì. Phương pháp phức tạp: cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong trường hợp này đòi hỏi một phương pháp liên ngành ở chiều sâu (đòi hòi quá nhiều tri thức vệ tinh như lý thuyết thơ đương đại, lý thuyết hậu hiện đại, triết học hậu hiện đại,…), đồng thời phải có bản lĩnh về loại hình học. Chỉ cần đặt câu hỏi thơ nhóm Mở Miệng có phải là thơ không, thì toàn bộ luận văn đã có nguy cơ đổ. Vì thế, cô Thoan thông minh đã đặt “Mở miệng” vào “góc nhìn văn hóa”, vào thế “thực hành”. Đó là cách “thoát” của cô. Xét về bản lĩnh học thuật, cách thoát đó cũng đã đủ làm chứng cho trình độ thạc sĩ của cô rồi. Câu chữ phức tạp: Cô Đỗ Thị Thoan dùng rất nhiều câu ghép, câu phức, phương tiện liên kết câu linh hoạt, trích dẫn trùng điệp, trộn lẫn câu nghi vấn và câu khẳng định khiến người không quen đọc rất khó tiếp cận. Chưa kể những dẫn chứng về tác phẩm của nhóm Mở Miệng cũng thuộc loại ngôn từ khó đọc. Kết luận phức tạp: Tuy cô Thoan có viết phần kết luận trong luận văn (theo nguyên tắc trường qui đối với luận văn cao học) nhưng vấn đề về Mở Miệng không thể kết luận, vì tính đương đại của nó, và vì bản chất khoa học xã hội, nhân văn không phải là thứ dễ đi đến một kết luận cuối cùng. Cái thông minh của cô Thoan lại nằm ở mấy câu hỏi. Dư luận phức tạp: Cô Thoan viết luận văn khi mà trước đó, trong khi đó, và sau này, những đánh giá về nhóm Mở miệng vẫn còn phân hóa cao độ.
Với một núi phức tạp xoay quanh đề
tài, có thể nói rằng, luận văn của cô Thoan được viết bằng tất cả sự
“ngây ngô chính trị” của một người trẻ ham hiểu biết, ham đọc, ham nghĩ,
ham trình bày và diễn giải, ham đặt vấn đề, ham ngắm mình qua vấn đề mà
mình tâm đắc đến cao độ. (Tôi phải dùng từ “ngây ngô chính trị” trong
ngoặc kép để đối lập cái nhận xét của ông Thưởng dành cho cô Thoan là
“kích động chính trị”. Nếu muốn kích động, thì hỡi ôi, Thuyên ơi là
Thuyên, dại gì mà viết hàng trăm trang trong một bài tập luận văn để
người ta đánh giá, chấm điểm, công bố?). Cô Thoan nói về chính trị bằng
sự ngây ngô trong thái độ (sống) và sự già dặn trong nhận thức học thuật
(trong tình huống nghiên cứu của cô). Cái “ngây ngô” của cô Thoan rất
gần với sự hồn nhiên. Cô không biết (hoặc không chú ý rằng) việc chọn
lựa đối tượng nghiên cứu và cách viết của mình sẽ “chạm nọc” một thiết
chế cằn cỗi, một hệ thống báo động thuần thục, một cảm hứng “truy xét”
vốn tràn trề trong cái bầu khí quyển xứ này.
Ngược lại, người nhận xét (là Phó
Giáo sư Phan Trọng Thưởng) lại có vẻ “già dặn” trong thái độ (sống) và
“ngây ngô” trong nhận thức học thuật. “Già dặn” vì ông chấm luận văn
nhưng toàn nói chuyện “quốc gia đại sự”, ngỡ như giọng của một người “ưu
dân ái quốc” xa xưa. “Ngây ngô” vì chỗ cần phân tích thì ông không nói,
chỗ cần lý luận thì không bàn, ông chỉ nói cái ông đã “đinh ninh”, cái
ông nghĩ trước rồi đặt vào “cho tiện” (một phong cách rất chuẩn “quan
cách”). Ông trích dẫn nhiều nhưng không mổ xẻ (chắc ông cũng ngại!),
trích dẫn nhiều đến nỗi thi thoảng người đọc có cảm giác ông cũng …ngầm
thích mấy cái dẫn chứng đó hay sao (?!), hoặc không đủ sức phân tích cái
đống ngôn từ ngồn ngộn mà ông trót trích ra. Thế không “ngây ngô” thì
gọi là gì?
Cô Thoan không thể nhân danh một
quyền lực chính trị nào để viết (vì làm sao có được một quyền lực nào?).
Cô Thoan lập luận nhiều hơn kết luận (vì cô phải cố gắng viết để còn ra
bảo vệ trước hội đồng học thuật). Còn ông Thưởng thì không nhận xét mà phán xét (vì ông được cho và tự cho mình quyền đó), không lập luận mà kết luận (vì
ông không có thời gian và trình độ để thông diễn). Thái độ hai chiều
trong tương quan người viết-người đọc ở đây là rất “bí hiểm”.
Mà mấy cái câu kết luận của ông, hình như câu nào cũng có vấn đề. Ví dụ: “Với
quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên
cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề,
một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý
nghĩa chính trị phản kháng, phản động”. Sao vậy? Sao “một hiện tượng
nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm” thì
lại “mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động”? Chắc ông lo làm
chính trị nên quên cách viết văn sao cho có nghĩa. Viết như thế làm gì
có nghĩa gì. Một số kết luận khác trong bài nhận xét của ông Thưởng:
“Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt” “đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn” “Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ”. “Trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra khá phức tạp hiện nay, nếu để lưu hành luận văn này sẽ gây tác hại không chỉ đến văn học, nghệ thuật mà còn gieo rắc những tư tưởng nổi loạn, chống đối, gây mất bình ổn trong đời sống chính trị, tư tưởng, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong nhà trường”. Về mẫu câu, ta thấy chủ yếu ông dùng mẫu: “Đây là”, “Đó là” (vì nó rất dễ dùng). Ở câu cuối cùng, ngữ pháp tiếng Việt được ông sử dụng “loạn xạ”, ai hiểu được thì hiểu.
Viết như thế, hoặc là ông không thể
suy nghĩ được nữa, do tuổi tác, do lạm dụng hay ám ảnh quá khứ quyền
lực, hoặc là ông quen với một số “mẫu câu cơ bản” được rèn luyện qua mấy
đợt học chính trị cao cấp, dùng để đọc người khác, cái khác, hoặc ông
mất khả năng liên tưởng về ngôn từ. Cái nào cũng nguy hại quá chừng!
Dùng một cách viết đơn giản, ngây ngô
như một nắm tay sắt để đối chọi lại một hiện tượng học thuật vô cùng
phức tạp, đó là “bản lĩnh chính trị” của PGS Thưởng hay thói quen “viết
lách” của ông từ trước đến nay? Câu hỏi này làm tôi nghĩ mãi.
2. Nghịch lý thứ hai: Luận văn viết theo phong cách khá nghệ sĩ, bản nhận xét thì có màu sắc lời nghị án của tòa.
Luận văn được viết trong tâm thế cho
một người đọc lý tưởng - người đọc được đón đợi nhiều nhất trong tâm lý
người viết. Điều này cũng là bình thường. Ai cũng biết đó là qui luật
của tâm lý tiếp nhận, mỹ học hồi đáp. Nói như thế để thấy sự đam mê quá đàcủa
cô Thoan trong quá trình viết luận văn. Nhưng đọc kỹ luận văn thì mới
thấy là không phải cô đam mê chính nhóm Mở miệng mà cô đam mê những hiện tượng tinh thần và các rắc rối của nhóm Mở miệng xoay xung quanh những dự cảm và hệ lụy của kiểu sáng tác này. Cô
đam mê đến mức viết luận văn mà như viết thơ, viết tùy bút, nhiều chỗ
phóng bút mạnh mẽ, liều lĩnh để chờ đợi những tri âm của mình. Và đó
cũng là điều mà Hội đồng chính thức cách đây hơn 3 năm đã trân trọng
đánh giá cô. Điểm 10 của cô là điểm 10 của tiềm năng, hứng khởi chứ
không phải là một sự xác quyết về tài năng tuyệt đối hay sự xác lập thái
độ phe cánh chính trị. Đó là cái lý của Hội đồng chính thức lần 1.
Họ có quyền nghiêng về quan điểm phóng khoáng, nghệ sĩ hay chặt chẽ, kín
kẽ trong quá trình đánh giá, phản biện. Sự chênh lệch về điểm khi
nghiêng về quan điểm này hay quan điểm khác hoàn toàn nằm trong cái
khung đảm bảo những đúng đắn về tiêu chí đào tạo sau đại học; cho nên
kết quả của Hội đồng lần 1 không có bất kỳ lý do gì để bị phủ quyết. Họ
còn xa lắm mới “thấp xuống” thành cái gọi là “ổ phản động” như nhận định
của ai đó trong cuộc chiến nóng hổi “đánh Nhã Thuyên” đã (và đang) diễn
ra.
Nhưng có vẻ như ông Thưởng không thuộc vào số người đọc lý tưởng của cô Thoan (đương nhiên, mà ông cũng không muốn thế chút nào!). Ông thuộc vào “số khác”.
Tôi rất lấy làm lạ kỹ năng “đọc
nhanh”, “đọc lướt” của PGS Phan Trọng Thưởng (và ngờ ngợ hay giáo sư
không quen đọc tiếng Việt, nhất là mấy câu phức khó, dài?). Cô Đỗ Thị
Thoan chưa bao giờ từ nhận mình là “chính trị đội lốt văn chương”. Nhưng ông Thưởng thì chắc như đinh đóng cột: “Như tác giả luận văn đã tự xác nhận, đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương””. Nguyên văn đâu phải thế, cô Thoan viết là: “Câu
hỏi đây là sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi
chính trị đội lốt văn chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc
vào một từ chính trị được cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ
cách tân đi, bởi văn chương mới chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải
lên tiếng về chính trị và bình luận xã hội? “Nay ở trong thơ nên có
thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã bội thực thứ văn chương
(phục vụ) chính trị rồi sao?”. Ôi ông Thưởng ơi, đời thuở nhà ai
lại có người ngu dại thế, lại tự nhận mình là “chính trị đội lốt văn
chương” làm gì cho khổ. Cô Thoan cô ấy nói rằng nếu như đặt hai câu hỏi
đối với hiện tượng nhóm Mở Miệng: 1 là “cách tân văn chương mang tính
chính trị”, 2 là “chính trị đội lốt văn chương” thì cả hai câu hỏi đó
đều bị hạn hẹp bởi cách hiểu thô thiển về chính trị. Sau đó, cô ấy đặt
ra mấy câu hỏi mở rộng. Mà mấy câu đó đều xoay quanh vấn đề bản chất của
văn chương là gì? Mối quan hệ giữa văn chương và chính trị thực chất là
gì? Cô Thoan quan tâm điều đó, chứ cô Thoan không gọi làng nước tới
hoặc be be lên chứng minh mình là cừu đen lạc trong đám cừu trắng đâu.
Cái nghịch lý bi hài cao độ của vụ
Nhã Thuyên là: Hội đồng chấm luận văn lần thứ nhất (chính thống về học
thuật) là một sự hợp nhất của cái nhìn nghệ sĩ (tất nhiên nghệ sĩ tuyệt
đối trong học thuật thì cũng có mặt hay dở của nó). Hội đồng thứ hai
(chính thống về chính trị) là một sự “thăng hoa” của uy quyền. Điểm 10
được biểu quyết là sự cộng hợp các trạng thái nghệ sĩ của người viết,
người chấm. Còn kết luận hủy diệt là sự đồng tình nhất trí của những
người “bảo hoàng hơn vua”, quyết tâm sống mái chấm dứt những “thăng hoa”
… không giống mình.
3. Nghịch lý thứ ba: Luận
văn thực sự là một hiện tượng trong nghiên cứu và giảng dạy văn học
đương đại, bản nhận xét là một “hiện tượng ăn theo” có khả năng “nổi
tiếng” hơn “chính chủ”.
Có thể nói, đến giờ phút này, PGS.
TS. Phan Trọng Thưởng “nổi tiếng ngoài dự kiến”, đi vào lịch sử ngoài dự
kiến. Ông có đến mấy cái nổi tiếng hơn người. Trong danh sách tham gia
“thẩm định lại” luận văn cô Đỗ Thị Thoan, ông là người từng có địa vị
danh giá nhất (Viện trưởng Viện Văn học). Đó là cái nổi tiếng thứ nhất.
Danh giá thế mà lại dự phần vào cái “cuộc nhiễu nhương” này. Đó là cái
nổi tiếng thứ hai. Tham gia chấm lại xong, ông rất bình tĩnh đưa bài
nhận xét lên báo mạng (tất nhiên là báo chính thống của Hội Nhà văn Việt
Nam). Đó là cái nổi tiếng thứ ba. Bài nhận xét, đứa con tinh thần của
ông, giờ phiêu bạt chân trời nào, bị thiên hạ đối xử ra sao, chắc ông
không thể lường nổi, không thể lường hết. Đó là cái nổi tiếng thứ tư của
ông. Và chắc là ông còn được nhắc đến nhiều nữa như một “huyền thoại”
của “kỳ tích” đào tạo đại học xứ Việt.
4. Nghịch lý thứ tư: Người viết luận văn thì say cuồng văn chương, người viết nhận xét thì mê mẩn uy quyền
Cô Đỗ Thị Thoan quả là say nghề say
chữ. Có lẽ phong cách viết của cô Thoan đã chiếm được cảm tình Hội đồng
lần 1 bởi tính chuyên nghiệp và bản lĩnh ngôn từ. Cô Thoan không viết
luận văn như học trò làm bài tập mà viết như một trí thức có nhiều suy
nghĩ trưởng thành, sắc sảo, có một trình độ diễn đạt nhuần nhuyễn. Đó là
một sự khác biệt không thể bỏ qua. Nhưng cô cũng là nạn nhân của chính
mình. Cái sai lớn nhất của Nhã Thuyên là (có lẽ do quá say viết) đã chọn
nhầm điểm-rơi-thái-độ với đối tượng nghiên cứu của mình: đẩy thực hành thơ của Mở miệng lên góc nhìn mỹ học (Không
phải bất kỳ một hiện tượng thực hành thơ nào cũng có một nền tảng mỹ
học hoặc có khả năng xây dựng một mỹ học cho mình. Ngay nhóm Xuân Thu nhã tập với
hoài bão làm nên một mỹ học về Đạo, về sự trong sáng của thơ, cũng chấp
nhận dở dang và không thể xem là đã có một mỹ học, huống gì những bước
đi tìm kiếm và bề bộn của Mở miệng). Đó mới là cái lệch lớn nhất của
luận văn. Cái lệch ấy, nếu có thể gọi là sai, thuộc về cái sai của một
đẳng cấp học thuật, chứ không phải cái sai của tư cách công dân.
Thế nhưng, trong khi người viết say mê văn chương bao nhiêu thì người chấm lại mê mẩn việc tiêu diệt văn chương bấy nhiêu. Cái
uy quyền mà PGS Thưởng thể hiện trong bài nhận xét thể hiện ở lượng từ
vựng “an ninh” được dùng một cách hào hứng và kiên trì. Đặc biệt, như
trên đã phân tích, luận văn được trích trong bài nhận xét rất nhiều
(chắc là phải đến gần 80% lượng chữ), không cân đối một chút nào với mấy
lời điểm chú rất “quái dị”, tối tăm của ông giáo sư.
Chỉ có sự uyên bác, tài năng và niềm
tin vào chân lý học thuật mới là quyền lực cao nhất và cần có nhất ở môi
trường trí thức. Ngoài ra, mọi “quyền lực khác” đều là lố bịch.
Trong cuốn tiểu thuyết Vạn Xuân viết
về Nguyễn Trãi của một tác giả người Pháp Yveline Féray, tôi nhớ có một
câu như thế này: “Bi kịch của Nguyễn Trãi là bi kịch của một vĩ nhân
sống trong một xã hội nhỏ bé”. Cái thước thì ngắn mà đo những thứ quá
cao quá dài – sự thật đó là bi kịch của cái thước hay bi kịch của cái
thứ cao dài kia? Nguyễn Trãi bi kịch vì sinh ra ở Việt Nam, hay Việt Nam
bi kịch vì đã giết Nguyễn Trãi? Một môi trường học thuật mà quan hệ
giữa thầy và trò trở thành quan hệ dân – quan, quan hệ tử tù và thẩm phán thì
hỡi ôi, trước khi cái thước ngắn cũn cỡn kia lâm vào bi kịch bất lực,
nó cũng giết đi bao nhiêu thứ dài cao vô hạn; nó đo hết và trảm hết
những cái vượt ra ngoài cái nó đo. Ai đã đẻ ra cái thước đó, và ai cho
nó quyền được đo tất cả?
5. Nghịch lý thứ năm: Nhan đề phản chủ
Có lẽ ông Phan Trọng Thưởng suy nghĩ
rất cẩn trọng để chọn một nhan đề rất nhã nhặn, lịch sự trong bối cảnh
“dầu sôi lửa bỏng” hiện nay: “để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”. Song,
chẳng hiểu thế nào mà nội dung bài viết ấy lại làm người đọc hiểu rõ
hơn thực chất về… PGS.TS Phan Trọng Thưởng! Đó là sự diễn tiến của chữ
nghĩa ngoài đoán định của PGS. Nếu như thế thì chính chữ nghĩa của ông
đã nổi loạn với chính ông. Vậy, chẳng phải “nổi loạn là điều kiện để
sáng tạo hay sao”, thưa ông? Vậy, sao ông lại bức xúc khi người khác nói
về sự “nổi loạn”?
6. Nghịch lý thứ sáu: Viết về “Mở miệng” nhưng bị bắt “Im mồm”
Cô Đỗ Thị Thoan hẳn không thể tưởng
tượng nổi một kết cục cười ra nước mắt: luận văn viết 3 năm được thông
qua bây giờ bị hủy, hào hứng viết về “Mở miệng” thì bị tịch thu, đuổi
việc và bắt “im mồm”…
Khi viết bài này, tôi luôn ám ảnh
trong đầu ông Phan Trọng Thưởng là một “thiên sứ”, hoặc một “sứ giả”
mang thông điệp từ một Đấng nào đó để đáp xuống cái Khoa Ngữ văn của Đại
học Sư Phạm Hà Nội đang bề bộn bao nhiêu vấn đề… Đúng như cái tên ông
vậy, một sự “trọng thưởng” từ phía nào đó vô hình trên cao dành cho
cương vị ông có, cho tiếng nói ông nói. Ông viết nhận xét như dạo một
bản “nhạc thánh”, tuyên bố về luận văn như tung chiếu chỉ!
Không một trí thức đích thực nào ở
nước Việt Nam này không biết đến vụ án Nhân văn Giai phẩm hồi giữa thế
kỷ XX; Gọi là một cuộc chơi cũng đúng, một cuộc chiến cũng đúng, một lỡ
lầm, một quá đáng, một ăn năn, một uất nghẹn…, đều đúng! Chắc chắn rằng
bao nhiêu con người ngậm khối tinh thần đau đớn đem chôn xuống ba tấc
đất ngày ấy cũng đã thấm thía những tờ “thánh chỉ” có một không hai kiểu
như “bản nhận xét thẩm định” của ông Thưởng. Những thông điệp bên ngoài
có vẻ lịch sự, nhã nhặn, trịnh trọng tựa như lời của kẻ “cầm cân nảy
mực” cho sơn hà lại chứa đựng nhiều dự cảm đẫm máu (như đã từng xảy ra).
Văn chương, nghệ thuật không nhất
thiết phải trở thành nạn nhân trong bất cứ thời đại nào, cũng như không
có quy luật nào cho phép khoa học là nạn nhân của thần học cực đoan.
Nhưng sự thật là: khoa học vẫn từng chết dưới tay thần học, văn chương
vẫn bị chính trị hành quyết. Những cuộc “tuẫn tiết” diễn ra trong quá
khứ đã chứng minh rằng khi một nền văn nghệ sống trong sự kiểm duyệt của
“văn hóa công an” thì bề nào nó cũng trở thành nạn nhân. Hoặc là nó
“vinh dự” trở thành một nạn nhân tự nguyện, tự mình cắt cụt chiếc cánh tự do vô tận, hoặc là nó cam khổ trở thành một nạn nhân bị cưỡng bức, mọc chiếc cánh tự do như một “quái thai” bay tới một chân trời mà điểm dừng của nó là những song sắt nhà tù lè tè dưới mặt đất.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng thật “dũng
cảm” khi công bố bản nhận xét của ông (“Dũng cảm” trong nhiều nghĩa!).
Vậy là vẫn còn những bản nhận xét khác nữa (vì Hội đồng thẩm định đâu
chỉ một người). Ai quyết được rằng hàng tá lời thẩm định trong bóng tối
kia sẽ không dắt díu tới những ngày buồn đẫm máu một thời của “nạn chữ
nạn văn”…?
22.4.2014
No comments:
Post a Comment