Sunday, June 23, 2013

Sự trở về và môi trường cho chất xám

Con người thực sự có giáo dục khi hắn biết cách học và thay đổi – Carl Rogers.
Cha tôi là người nặng tình với quê hương. Khi chúng tôi chưa biết nghe, ông đã đưa tình yêu này vào mấy đứa con qua các bài ru, qua những điệp khúc về quê Quảng Trị, nơi “đất cày lên sỏi đá”, nơi “đêm đêm có tiếng o nghèo thở dài”, nơi “trời làm cơn lụt mỗi năm”… Giọng hát ông trầm buồn chậm chạp. Bài ông thích nhất là Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong.

Quỹ học bổng VEF
Cuối tuần qua tôi quay lại Nha Trang để dự một hội thảo do quỹ VEF (Vietnam Education Foundation – quỹ Giáo dục Việt Nam) tổ chức. Quỹ được thành lập và điều hành trực tiếp từ White House – Nhà Trắng với mục tiêu cung cấp học bổng cho các sinh viên Việt Nam qua học tại các trường đại học Mỹ và các giáo sư Mỹ qua giảng dạy ở Việt Nam. Suốt chín năm qua (từ khi Tổng thống Clinton khởi động), VEF đã giúp cho hơn 500 sinh viên Việt Nam đi học hậu đại học (Ph.D. và Masters) và khoảng 100 giáo sư Mỹ qua Việt Nam. Buổi hội thảo rồi là cuộc hội tụ hàng năm của các cựu sinh viên VEF, có hơn 100 người tham dự.
Tôi vui khi được tản mạn với hơn 100 cái đầu xanh (trên dưới 30), nhưng sắc bén, chứa đựng chất xám đầy đẳng cấp, đang háo hức tạo dựng một tương lai cho cá nhân, cho gia đình, cho tổ quốc. Các tiến sĩ, thạc sĩ này chuyên về khoa học và công nghệ (một điều kiện cho ứng viên), tốt nghiệp từ những đại học hàng đầu của Mỹ (chắc chắn là không thể mua bằng) và đã hoàn tất những luận án dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và mới lạ nhất. Trên hết, họ đã từ bỏ mức thu nhập cao từ 100.000 – 200.000 đôla mỗi năm để quay về Việt Nam.
Năm 1968, tôi cũng đã là một du học sinh về nước. So với các bạn này, tôi ngu ngơ mù mờ hơn nhiều. Tuy nhiên, quê hương cũng đã đãi ngộ tôi, ban cho tôi những trải nghiệm vô cùng thú vị không thể mua bằng tiền bạc. Tôi nói với các bạn ấy là dù thế nào, tôi tin là sau vài chục năm nhìn lại, các bạn sẽ không hối tiếc về quyết định này.
Môi trường cho chất xám
Thực ra, phần lớn không quan tâm lắm về thể chế chính trị hay lương tiền, nhưng họ rất bức xức về sự trì trệ trong kinh tế và văn hoá xã hội, một môi trường cần yếu để thăng hoa giá trị đóng góp và nhu cầu trí tuệ cùng tâm linh. Họ đã hy sinh thu nhập (tính trung bình khoảng 120.000 đôla khác biệt) và tôi băn khoăn về sự lãng phí này. Ngoài VEF, một bạn ước lượng là có khoảng 8.000 sinh viên với bằng tiến sĩ, thạc sĩ từ các đại học hàng đầu quốc tế đang “lè phè” tại Việt Nam. Tôi tính ra con số thực tiễn mà chúng ta đang lãng phí (gần 1 tỉ đôla mỗi năm) khi không sử dụng khối “chất xám” đang có trong tay.
Vài bạn cho tôi hơi lẩm cẩm. Chính phủ có thể chi thêm vài chục tỉ đôla Mỹ ngoài ngân sách để cứu ngân hàng, bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, người dân sẵn sàng chi vài tỉ đôla chỉ cho bia rượu, các đại gia và chân dài tha hồ khoe khoang khi tiêu vài chục tỉ đôla cho siêu xe, hàng hiệu và tiệc tùng… Ai có thì giờ để nghĩ về những trí tuệ đang chật vật nuôi gia đình với số lương chết đói, kiếm tiền lương thiện theo lý tưởng? Đây mới thực là xa xỉ!
Sự lãng phí chất xám nói ở phần trên chỉ là bề nổi của một tảng băng “lãng phí” về cơ hội. Còn lãng phí về “tiền chùa” – OPM, về sức khoẻ y tế cho cộng đồng, về giáo dục cho các trẻ em, về những tàn phế trong tâm hồn người? Tôi không dám nghĩ hay nói thêm.
Vẫn còn nhiều cơ hội
Tuy nhiên, trong buổi hội thảo nói trên, tôi rất lạc quan. Ngoài những bạn chuyên về nghiên cứu dạy học, tôi khuyến khích những bạn có ý tưởng kinh doanh hãy nắm bắt cơ hội, dù lãng phí, nhưng vẫn tràn khắp. Vả lại, sự thành công của một doanh nghiệp vẫn tuỳ thuộc đến 70% vào sức mạnh nội tại. Tôi cũng nói về một tầm nhìn chiến lược trên căn bản đa quốc gia. Trên hết, nếu các bạn có thể quy tụ những nhân tài của đất nước vào một “khối chất xám” và được hướng dẫn đầy đủ trong một mô hình thương mại hoá (monetization), tôi sẵn sàng làm chất xúc tác để đem nguồn vốn quốc tế vào các dự án. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân ngoài kia cũng sẽ cần đến khối chất xám của các bạn để tìm đường tái cấu trúc hay tìm sản phẩm, công nghệ, thị trường mới.
Cho nên, dù chúng ta đang có một xuất phát điểm chung như thế nào, chúng ta vẫn có thể tự xây cho mình, bạn bè và gia đình những lối đi riêng tương đối đến một bến bờ mong ước của mình.
Cha tôi đã mất từ lâu, bài hát của Đặng Thế Phong chắc cũng ít người còn hát, tôi cũng đã già. Quanh tôi, những thế hệ mới đang vươn mầm trổi lộc.
Họ có những tương lai khác và có lẽ một ngày nào đó gần đây, bài hát ru con cũng sẽ khác hơn. Xin các bạn hãy giữ niềm tin vào mình và vào Trời.
(TheoTS Alan Phan/ Sài Gòn Tiếp Thị)

No comments:

Post a Comment