Saturday, June 8, 2013

Bỏ học tiến sĩ về làm nước mắm

Sau khi giành tấm bằng thạc sỹ chuyên ngành “Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững” tại Đại học Adelaide (Úc), Đào Thị Hằng (sinh năm 1985) được học bổng tiến sĩ nhưng cô từ chối để về Việt Nam cùng bà con Quảng Trị xây dựng thương hiệu nước mắm Thuyền Nan.

Tiến sĩ, bỏ học, đại học, nước mắm, quê hương, Đào Thị Hằng
Đào Thị Hằng tại Úc.
Tại sao chị lại quyết định bỏ dở sự học trở về? Ở lại thành tiến sĩ, biết đâu chị sẽ giúp được cho bà con nhiều hơn?
Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn.
Đó là động lực chính giúp tôi theo đuổi ước mơ giúp bà con Quảng Trị. Ước mơ thì nên thực hiện khi mình còn trẻ, khi chưa bị ràng buộc cơm áo gạo tiền. Tôi chỉ sợ, khi trở thành tiến sĩ rồi, năng lực học thuật có nâng lên nhưng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ giảm.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của tôi là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ tây, nhưng ông quyết định trở về nước với quan niệm đất nước mình còn nghèo và cần ông hơn là các nước phát triển. Ông bà đã cấp hơn 2.000 học bổng cho sinh viên nghèo từ năm 1989, trong đó có tôi.
Trong lần trao đổi với ông về cách thức để giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, ông nói đến ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống. Tôi rất thích ý tưởng này. Tôi quyết định trở về giúp bà con xây dựng thương hiệu mắm và có một nghề nghiệp bền vững.
Chắc việc đầu tiên của chị khi về nước là học làm mắm?
Đúng vậy. Tôi dành 5 tháng đi dọc biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận để tìm hiểu và thu thập 20 loại mắm khác nhau. Nhiều loại mắm đặc sản trước đấy còn được dùng làm mắm tiến Vua, nhưng nay rất ít người làm như mắm thu, mắm đối, mắm nhum...
Tôi thấy nước mắm miền Trung ngon tuyệt lại đậm đà nhưng vẫn loanh quanh sau luỹ tre làng và người dân vẫn lam lũ nghèo khó.
Bởi vậy, tôi nung nấu khát vọng đưa nước mắm vượt ra khỏi luỹ tre ấy. Những tháng ngày lăn lộn cùng các cô, các bác, tôi thấy mình nghiện mắm từ lúc nào và ngày càng đam mê nghiên cứu.
Đưa mắm ra khỏi luỹ tre làng, chị có nghĩ tới có ngày sẽ xuất khẩu nước mắm không?
Một chị học ở Nga kể rằng đồ gia vị Việt Nam không có nhiều, có lần câu được mấy con cá về rán, nhưng thiếu nước mắm, cả hội ngồi thèm. Thế mới thấy nước mắm đã đi vào từng ngõ ngách của gia đình Việt như thế nào.
Vì thế tinh thần của Thuyền Nan là “Giữ mắm đúng nghĩa của mắm” với mong muốn người dân được ăn mắm chứ không phải sản phẩm tương tự mắm.
Khảo cổ ở Hà Tiên cho thấy có đồng tiền La Mã ở đây và khảo cổ ở La Mã cho thấy có các chum nước mắm. Phải chăng đã có sự mua bán giao lưu nước mắm giữa nước ta và châu Âu từ 2.000 - 3.000 năm về trước.
Tôi nghĩ bảo tồn nghề làm mắm truyền thống không những giữ được nét văn hoá độc đáo của người Việt Nam mà còn là giá trị của nền văn minh nhân loại.
Tôi mới bán hàng qua Facebook, chủ yếu qua kênh bạn bè và mỗi tháng tôi giao hàng ba đợt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Khi hoàn thành xong việc đăng kí Vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, tôi sẽ mở rộng phân phối. Có thể sắp tới, tôi sẽ xuất khẩu đợt ruốc mắm đầu tiên sang Úc.
Tại sao chị lại lấy thương hiệu Thuyền Nan?
Thuyền nan giờ không còn nhiều nhưng nó là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam, giờ tôi muốn nó gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Thuyền nan nhỏ và chông chênh nhưng nó thể hiện tinh thần hiếu học và sức sống của người dân Quảng Trị nói riêng và người dân miền Trung nói chung.
Bản thân tôi cũng trưởng thành từ thuyền nan, bắt đầu từ chiếc thuyền nan và sóng gió trên biển học, từ chiếc thuyền nan tôi đến nước Úc và nay quay về làm món mắm Thuyền Nan.
Tôi muốn người Việt được ăn mắm thơm ngon, sạch, không hoá chất, không chất bảo quản. Qua dự án này, tôi muốn giúp những phụ nữ ven biển, nhất là phụ nữ đơn thân có nguồn thu nhập đều đặn, họ sẽ đầu tư cho con cái học hành, bởi tôi tin vào giáo dục nên muốn phát triển bền vững thì đầu tư vào phụ nữ trước.''
Tiến sĩ, bỏ học, đại học, nước mắm, quê hương, Đào Thị Hằng
Bà con làm mắm.
Chị có lần chia sẻ rằng sẽ không giúp bà con cái cần câu mà cho họ động lực để đi câu. Chị tiếp cho họ động lực thế nào, bà con đón nhận và thực hiện nó ra sao?
Từ việc truyền cảm hứng đến thực hiện và thay đổi là một quá trình dài, không đánh giá ngay được. Tuy nhiên, thực tế là họ đã có cần câu rồi, nhưng họ chưa có phương tiện và chưa biết cách để quăng lưới câu đi xa thôi.
Và họ cũng nghĩ chỉ cần câu từng đó, tôi sử dụng các phương pháp tiếp cận hiện đại để giúp người dân nơi đây thấy được rất nhiều người đang cần để họ có động lức quăng lưới câu ra xa.
Dì Rỏ là phụ nữ đơn thân ở vùng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng - Quảng Trị). Dì làm nước mắm ngon nổi tiếng trong xã đã 37 năm. Con trai đầu của dì bị bệnh, em trai sau đang học lớp 10, dì chỉ mong bán được mắm để có tiền chữa bệnh và nuôi con trai ăn học.
Tôi giúp dì bán được mắm, động viên con trai dì học. Trước đây nước mắm của dì chỉ bán loanh quanh trong xã, nay nhờ các phương tiện, công cụ hiện đại, nước mắm của dì đã ra Hà Nội, vào TPHCM. Dì đã từng khóc nói với tôi chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như vậy, dù số tiền ấy chỉ vài triệu đồng.
Có ai nói rằng chị không bình thường khi bỏ một tương lai sáng để về làm ngư dân thực thụ chưa?
Đúng là rất nhiều người phản đối và thất vọng về quyết định theo nghề làm mắm của tôi. Nhưng điều đó không cản trở công việc của tôi vì tôi biết rõ mình đang làm gì và tại sao lại làm như vậy. Nhưng khi tôi bắt tay làm, bạn bè và kể cả những người trước kia phản đối nay lại ủng hộ tôi hết sức bằng cách đặt mua mắm thường xuyên, giới thiệu sản phẩm, thiết kế nhãn mác, website, góp ý và động viên tôi rất nhiều.
Có duyên với nước mắm, nghiện mắm, cái mặn mòi của mắm có cho chị nhiều năng lượng?
Tôi là con nhà chài lưới trên sông Thạch Hãn. Mùa hè ba tôi làm được rất nhiều tôm cá, bán không hết mạ (mẹ) đem về làm mắm. Mắm cá, mắm đu đủ, mắm dưa, mắm ném, mắm thính...cả nhà tôi ăn cơm với mắm suốt mùa đông. Những buổi chiều đi học về, dựng xe ở cửa thấy thơm phức mùi mắm, mấy chị em tôi ăn hết cơm, còn vét xoong, cạo cháy tráng xoong bằng nước mắm rồi cười khề khề. Mắm nuôi sống gia đình tôi thế đó.
Nhà tôi nghèo lắm, trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên tôi thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia, còn tôi chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc đi làm thợ may.
Thi năm đầu tiên tôi trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, tôi xin ba mạ (mẹ) ôn thêm năm nữa. Năm sau tôi đỗ thủ khoa vào Đại học Nông lâm (Huế) với 26 điểm (Toán 10, Hoá 8, Sinh 8). Tôi may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và được học bổng Thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên.
Từng là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam ở Đại học Adelaide (Úc), chị làm gì để hỗ trợ sinh viên và giúp các bạn săn học bổng?
Hành trình học tiếng Anh, xin học bổng của tôi rất gian nan. Tôi đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 người của Việt Nam được học bổng Năng lực lãnh đạo của chính phủ Úc. Tôi đã lần lượt chia sẻ kinh nghiệm luyện thi IELTS, xin học bổng... trên trang blog cá nhân. Mục tiêu mỗi năm của tôi là giúp 3 bạn chuẩn bị hồ sơ xin học bổng đi học. Tôi luôn nhắn nhủ các bạn: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường và khi các bạn có ước mơ các bạn biết phải làm gì”.
Đam mê với mắm, đau đáu với việc mong bà con vùng biển thoát nghèo, chị có thời gian cho tình yêu và gia đình?
Tôi vẫn độc thân. Công việc thường đi thực tế nhiều nên ít thời gian ở nhà, tuy nhiên tôi vẫn dành thời gian thăm hỏi gia đình và theo sát việc học hành sinh hoạt của các em.
Cảm ơn chị.
(TheoHải Yến/ Tiền Phong)

2 comments:

  1. nghị lực và tấm lòng thật đáng khâm phục bạn hiền ha .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, rất thực tế và thật đáng quý với tấm lòng như vậy.

      Delete