Sunday, July 3, 2011

Nghề đưa ong đi tìm hoa


Lạ lùng nghề đưa... ong đi tìm hoa


Họ mang theo những đàn ong quanh năm phiêu bạt đến các vùng miền tìm hoa hút mật.

Mùa đưa ong đi hút mật
Hai bên tuyến đường La Sơn - Nam Đông, qua địa phận các xã Lộc Sơn và Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, bạt ngàn rừng keo lá tràm. Thời gian gần đây, dưới những tán rừng này, xuất hiện hàng chục nghìn tổ ong được đưa từ các tỉnh miền Nam ra. Ong xuất hiện dày đặc, ong chồng lên ong nên khu vực này như một lãnh địa của ong. 
Anh Nguyễn Thanh Toàn xử lý mật của đàn ong nuôi di cư.

Chúng tôi men theo tiếng ong vào túp lều được dựng bằng vải bạt giữa rừng, thuộc địa phận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc. Xung quanh túp lều là hàng trăm tổ ong được đặt dưới gốc cây. Ong bay loạn xạ, mật ong tỏa ra thơm lừng. Đây là trại ong của anh Nguyễn Thanh Toàn (19 tuổi), đến từ xã Hòa Hưng, thị xã Cái Bè, Tiền Giang.
Còn nhỏ tuổi nhưng có lẽ do đã có thâm niên 7 năm theo cánh ong phiêu bạt khắp nơi nên trông Toàn rất chững chạc. "Đàn ong nhập khẩu từ Úc hơn 300 tổ của em được đưa từ Tiền Giang ra đây đánh mật từ hồi tháng 5. Địa điểm này tốt, hoa tràm nhiều nên ong đánh được khá nhiều mật"- Toàn kể bằng giọng miền Tây đặc sệt.
Toàn cho biết, tháng 5 là thời kỳ cao điểm người nuôi ong ở Tiền Giang, cũng như các tỉnh miền Nam, đưa ong đến các địa phương phía Bắc đánh mật. Riêng trên địa bàn các xã Xuân Lộc, Lộc Sơn, hiện có hơn 30 người đưa ong đến tìm hoa. Người mang ít thì vài trăm tổ, nhiều thì có đến hơn 10 ngàn tổ. Cùng Toàn "hộ tống" đàn ong ra Huế hút mật là ông chú ruột Nguyễn Thanh Long.
Ông Long là người vui tính, hay chuyện và cần mẫn như... ong. Ông kể, để mang đàn ong từ Tiền Giang ra Huế, ông đã mất cả tháng trời lặn lội đến khắp các khu vực rừng núi ở Huế tìm địa điểm tốt để đàn ong lấy mật. Thấy vùng Xuân Lộc và Lộc Sơn là nơi có diện tích rừng tràm khổng lồ, cây tràm nhiều hoa và khí hậu mát mẻ nên ông xin các chủ rừng cho đặt tổ ở đây.
Số người đưa ong đến đây tăng lên nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn thông tin về vùng đất Xuân Lộc và Lộc Sơn được giới nuôi ong truyền tai nhau. Vì vậy, vùng đất này không chỉ riêng người nuôi ong ở Tiền Giang đưa ong ra khai thác mật, mà còn là nơi tụ họp của giới nuôi ong đến từ nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên.
Cũng như Xuân Lộc và Lộc Sơn, khu vực rừng núi của hàng chục xã nằm dọc hai bên quốc lộ 49A thuộc các huyện Hương Trà, A Lưới cũng đã có hàng nghìn trại nuôi ong của người dân các tỉnh miền Nam đưa ra. Không riêng Huế, nhiều tỉnh miền Bắc cũng là nơi người nuôi ong miền Nam đưa ong ra đánh mật khi đến mùa hoa.
Đánh bạc với trời
Những người đưa ong từ miền Nam ra Huế tìm mật mà tôi gặp đều bảo nghề nuôi ong này là nghề đánh bạc với trời. Tìm được vùng rừng núi có nhiều hoa, gặp thời tiết thuận lợi thì chẳng mấy chốc thành tỷ phú. Ngược lại, lỡ đặt chân đến những vùng ít hoa, hay gặp thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc ong vướng phải thuốc lăn ra chết thì người nuôi lỗ vỡ mặt. Cũng vì yếu tố may rủi này mà trong giới nuôi ong có người là đỉnh cao, có người là vực sâu.
Hơn một tháng từ khi đưa đàn ong di cư từ Đăk Lăk ra xã Lộc Sơn tìm mật, anh Nguyễn Văn Tiến đã thu được hàng ngàn lít mật ong chất lượng cao. "Tui mang ra 160 tổ ong, cứ 12 ngày là thu được 300 lít mật. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng lãi ròng 50-60 triệu đồng"- anh Tiến kể.
Nuôi ong di cư là nghề bấp bênh bởi phải đánh bạc với trời.

Nhiều người nuôi khác cũng phấn khởi cho biết, từ khi ra Huế tìm mật, họ được trời ủng hộ nên hái ra tiền. Với đà này, sau 3 tháng đưa ong đi đánh mật, sau khi trừ tất cả các chi phí, nhiều người sẽ có trong tay từ 150-200 triệu đồng. Nếu làm ăn thuận lợi liên tiếp thì chỉ cần vài năm một người nuôi ong đã cầm trong tay bạc tỷ.

Sau một lúc phấn khởi kể về công việc làm ăn đang thuận lợi, anh Nguyễn Văn Hưng - người đưa đàn ong từ Đăk Lăk ra Lộc Sơn tìm mật thoáng buồn khi nhắc đến những thất bại thê thảm của những người cùng nghề mà anh quen biết.
Trong các năm từ 2008-2010, hàng nghìn chủ ong ở Đăk Lăk cũng như các tỉnh miền Nam khác đưa ong di cư ra các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc tìm hoa đánh mật. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa ong "tập kích" miền Bắc, giới nuôi ong di cư đã lao đao vì dịch bệnh.
Những đợt lạnh thấu xương liên tiếp ở đất Bắc khiến hàng trăm đàn ong di cư bị tiêu chảy rồi lăn ra chết hàng loạt. Bên cạnh đó, rất nhiều đàn ong còn bị trúng thuốc bảo vệ thực vật nên chết như ngả rạ. Những người bảo vệ được đàn ong không chết thì cũng không quay được mật do trời quá lạnh.
"Mỗi chủ bị ong chết thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng, nuôi quy mô lớn thì thiệt hại tiền tỷ. Nhiều chủ "chết" theo đàn ong vì bị đẩy vào cảnh sạt nghiệp và nợ nần. Nhiều người từ ông chủ trở thành kẻ làm thuê không nhà"- anh Hưng kể.
Nếm mật nằm gai
Nghề nuôi ong di cư có đặc thù riêng, không giống với bất cứ nghề nào khác. Người làm nghề này phải có sức khỏe và chịu khó mới không bị chồn chân mỏi gối khi theo những cánh ong đi tìm hoa khắp các vùng miền.
Nguyễn Thanh Toàn bảo, nuôi ong là nghề nếm mật nằm gai. Nói đoạn, Toàn dẫn chúng tôi vào "tham quan" túp lều bằng vải bạt lụp xụp được dựng lên giữa bốn bề núi đồi của mình. Trong lều chỉ có một chiếc giường oải mục, vài ba cái xoong và mấy bao tải đựng bột đậu nành làm thức ăn cho ong. Toàn bảo, giới nuôi ong gọi những túp lều này là "khách sạn ngàn sao" và nói rằng lạc quan là một trong những yếu tố giúp người nuôi ong di cư sống được với nghề.
Nhưng không phải người nuôi ong nào gặp chúng tôi cũng lạc quan. Nghe hỏi về nghề, một chủ ong khác chỉ tay vào túp lều rách bươm của mình rồi nói rằng chỉ cần nhìn vào chỗ ở là biết được sự lênh đênh, cực khổ của nghề này. "Ban đêm do ong sợ ánh sáng nên nhiều người nuôi không dám thắp đèn, cuộc sống không khác nào thời tiền sử"- chủ ong này nói.
Cuộc sống vất vả đến mấy rồi cũng thích nghi được. Điều khiến người nuôi ong di cư lo sợ nhất là làm phật lòng chủ rừng hoặc người dân bản địa. Đã có rất nhiều chủ ong bị thiệt hại nặng khi bị chủ rừng "nổi chứng" xua đuổi vì phật ý hoặc do thiếu hiểu biết nên nghĩ ong làm hại rừng. Nhiều trường hợp chủ rừng sẵn sàng cho nuôi ong nhưng người dân sống xung quanh lại phản đối vì sợ sẽ bị ong gây hại. Ở những trường hợp này, người nuôi ong phải di chuyển ong trở về quê nhà.
Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ. Chi phí cho mỗi chuyến xe di chuyển ong từ miền Nam ra miền Trung hoặc miền Bắc mất ít nhất từ 35-40 triệu đồng, nên khi bị đuổi, để đưa ong vào lại miền Nam, người nuôi ong bị mất số tiền lớn.
(Theo Dân Việt)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/28592/la-lung-nghe-dua----ong-di-tim-hoa.html

No comments:

Post a Comment