(Khám phá) - Tên tuổi của NSND Đặng Thái Sơn đã quá nổi tiếng trên thế giới. Nhưng câu chuyện về NSND Thái Thị Liên– người mẹ của Đặng Thái Sơn– suối nguồn sinh ra và nuôi dưỡng tài năng âm nhạc của Sơn, nhiều người có lẽ chưa tỏ.
Không nổi tiếng như con trai – NSND Đặng Thái Sơn – thiên tài âm
nhạc Việt Nam được cả thế giới biết tới, nhưng bà Thái Thị Liên, mẹ của
NSND Đặng Thái Sơn chưa bao giờ là một người đàn bà “tầm thường” trong
suốt cuộc đời bà, với tất cả những gì bà đã làm được.
[links()]
Bà là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng loại ưu ở trường Âm
nhạc quốc gia Praha, một trong những người sáng lập Nhạc viện Hà Nội
(nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), và đặc biệt hơn cả, bà là mẹ của hai
NSND:
NSND Đặng Thái Sơn – nghệ sĩ dương cầm đầu tiên của Châu Á đạt giải
nhất cuộc thi Piano quốc tế Chopin tháng 10 – 1980 tại Warszawa (Ba Lan)
– và NSND Thu Hà (nguyên Giám đốc Học viên âm nhạc quốc gia ).
Cô tiểu thư Sài thành và tình yêu với người em ruột cố TBT Trần Phú
NSND Thái Thị Liên |
Tên tuổi của NSND Đặng Thái Sơn đã quá nổi tiếng trên thế giới. Nhưng
câu chuyện về NSND Thái Thị Liên – người mẹ của Đặng Thái Sơn – suối
nguồn sinh ra và nuôi dưỡng tài năng âm nhạc của Sơn, nhiều người có lẽ
chưa tỏ.
Nhìn vào cuộc đời NSND Thái Thị Liên, sẽ hiểu câu nói của Đặng Thái
Sơn – “người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là mẹ”. Trong mắt nghệ sĩ
dương cầm tài năng nhất của Việt Nam thế kỷ XX, mẹ là vĩ đại, là bất tử.
NSND Thái Thị Liên có người chồng đầu tiên là nhà cách mạng Trần Ngọc
Danh – em ruột của cố TBT Trần Phú. Ông Trần Ngọc Danh mất sớm, để lại
cho bà Thái Thị Liên một mụn con, là NSND Thu Hà (vợ của NSND Trung Kiên
– nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa) và một người con đang hoài thai.
Chưa nói đến gia đình ông Trần Ngọc Danh, chỉ xét riêng gia thế của
bà Thái Thị Liên, cũng đủ thấy bà không phải sinh ra trong một gia đình
tầm thường. Cha của bà Thái Thị Liên là cụ Thái Văn Lân, một trí thức
Tây học và là nhân sĩ nổi tiếng Sài Gòn đầu thế kỷ XX và có mối quan hệ
giao du rộng trong giới văn nghệ sĩ.
Bà Thái Thị Liên còn có anh trai là luật sư yêu nước Thái Văn Lung,
Đại biểu Quốc hội khóa I, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Gia
đình bà sống trong ngôi làng công giáo ở Thủ Đức và bà đã trải qua những
ngày thơ ấu sung sướng, đầy đủ và sống trong môi trường của trí thức và
nghệ thuật.
Cụ thân sinh ra bà – cụ Thái Văn Lân là trí thức du học Tây học nên
luôn khuyến khích con cái nói tiếng Pháp và dạy con tình yêu hội họa và
âm nhạc. NSND Thái Thị Liên may mắn được làm quen với piano từ khi mới
lên 4 tuổi.
Bà đã được các bà xơ trong trường dòng dạy gõ vào những phím đàn đầy
mê hoặc tử thuở non nớt ấy. Dẫu chỉ mới là những bài nhập môn cơ bản,
nhưng dường như số phận run rủi đưa cô bé đầy mẫn cảm Thái Thị Liên gắn
bó suốt cuộc đời với piano. Thái Thị Liên đã chìm đắm trong thế giới âm
thanh huyền diệu và chắc chắn là, bà biết đánh đàn trước khi biết đọc,
biết viết.
Năm 16 tuổi, Thái Thị Liên được ba cho sang Pháp với ý nguyện cháy
bỏng: được học piano ngay ở kinh đô nước Pháp. Và cũng như sự sắp xếp
của tạo hóa, tại Pari, cô thiếu nữ tài hoa ấy đã gặp chàng trai Trần
Ngọc Danh.
Ông Trần Ngọc Danh lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là em ruột cố TBT Trần Phú. Ông bà đã gặp
nhau giữa đất Paris hoa lệ và trở thành vợ chồng. Năm 1948 vợ chồng họ
sang Tiệp Khắc (cũ).
Tại đây, ông bà đón đứa con đầu lòng - cô bé Trần Thu Hà – sau này
là NSND Thu Hà. Trong thời gian ở đây, bà Thái Thị Liên tiếp tục học tại
Nhạc viện Praha và trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận tấm
bằng loại ưu của Nhạc viện Praha.
NSND Đặng Thái Sơn |
Lấy một người chồng theo cách mạng, nguyện cả đời cống hiến cho cách
mạng, bà Thái Thị Liên đã hy sinh nhiều thứ, sự hy sinh lớn nhất là
quyết định can đảm theo chồng về Việt Nam lên vùng kháng chiến Việt Bắc,
nơi mà cô tiểu thư Sài thành từng chưa bao giờ biết khổ cực biết chắc
sẽ rất nhiều khó kahwn đang chờ đón:
“Cuộc hành trình của tôi từ Praha về Việt Nam là một cuộc hành trình
đầy chông gai và thử thách. Năm 1951, tôi cùng con gái mới 22 tháng tuổi
phải đi bộ một quãng đường 110km vào ban đêm để đến cơ sở Cách mạng tận
rừng sâu.
Chúng tôi mất 3 tháng mới đến nơi khi mà lòng bàn chân nổi đầy mụn
nước vì phỏng rộp” – đó là lời kể của bà mỗi khi hồi tưởng lại những
ngày từ Praha về Việt Nam rồi lên chiến khu Việt Bắc.
Trong rừng già chiến khu, cô giáo Liên dạy ký xướng âm cho các đội
văn nghệ tiền phương. Nhưng giữa lúc cuộc đời ấm êm, một tổn thất đã
đến. Người chồng thân yêu của bà mất khi đứa con thứ hai Trần Thanh Bình
(nay là một kiến trúc sư tài ba) đang hoài thai.
Ông ra đi vì căn bệnh lao phổi khi tuổi đời còn rất trẻ. Sáu tháng
sau, con trai của bà và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh ra đời, không biết
mặt cha.
Cả đời gắn với cây đàn piano từ năm lên 4 tuổi, đến năm 95 tuổi, có
lẽ chỉ có khoảng thời gian người chồng đầu tiên mất là quãng thời gian
duy nhất bài Thái Thị Liên không động đến cây đàn. Người phụ nữ dịu hiền
ấy đã vượt lên nỗi đau riêng, nguyện sống xứng đáng với người chồng đã
mất.
Khi nỗi đau dần qua đi, bà gặp nhà thơ Đặng Đình Hưng, đoàn trưởng
đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Nhà thơ Đặng Đình Hưng trước đó đã
trải qua một cuộc hôn nhân. Hai người gá nghĩa cùng nhau. Sự kết duyên
của hai người nghệ sĩ đã sinh ra một tài năng âm nhạc lớn cho đất nước
sau này: NSND Đặng Thái Sơn.
Người phụ nữ sáng lập nhạc viện Hà Nội và sinh ra một thiên tài âm nhạc
NSND Thái Thị Liên là một trong 7 người đầu tiên thành lập ra trường
âm nhạc Việt Nam năm 1955, sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đó là
niềm tự hào lớn trong sự nghiệp của bà.
Những năm chiến tranh phá hoại, trường đi sơ tán còn ghi dấu ấn sâu
đậm trong lòng người nghệ sĩ tuổi ngoài cửu thập này. Bà hồi nhớ: Hồi đó
Trần Thu Hà (chị của Đặng Thái Sơn) học ở Trung Quốc. Bà cùng hai anh
con trai Bình và Sơn (lúc đó mới 7 tuổi) sơ tán về Bắc Giang.
Sáng sáng, Sơn cùng những đứa trẻ quê đi quét lá tre khô về để mẹ đun
bếp. Lên 9 tuổi, Sơn đã thạo công việc bếp núc, thổi cơm, nấu canh, kho
thịt cho cả nhà. Trong ký ức của NSND Thái Thị Liên, con trai út của bà
rất thạo món canh cua.
Mỗi lần bà nói bà thèm canh cua là Sơn ra đồng bắt cua nấu canh cho
mẹ. Những năm tháng gian khổ ấy đã cho Sơn hiểu biết hơn thực tế cuộc
sống nông thôn, đồng cảm với những tấm lòng thơm thảo, những hy sinh
lặng thầm của bà con dành cho những người phải rời thành phố về quê
tránh bom đạn giặc. Cũng nhờ đó mà Đặng Thái Sơn có nhiều người bạn từ
thời sơ tán đến bây giờ vẫn rất thân thiết với nhau.
Ở nơi sơ tán, mỗi bộ môn học ở một thôn. Vì đàn piano cồng kềnh, chủ
nhà nơi sơ tán dành hẳn một gian riêng để kê đàn. Nhưng khổ nhất là lúc
tập đàn. Nhiều khi tiếng đàn to quá, dân làng không nghe thấy tiếng máy
bay địch nên chủ nhà và bà con tỏ ý không bằng lòng Bà phải tổ chức dạy
cho học sinh theo kiểu du kích:
Trò này học, trò khác phải cảnh giới máy bay. Thay nhau học, mỗi
người học một giờ. Học bên miệng hầm với chiếc mũ rơm to đùng trên đầu.
Tuy gian khổ và luôn căng thẳng vì máy bay giặc rình rập ngày đêm, nhưng
nhà trường vẫn giữ không khí nghệ thuật sôi nổi.
Những buổi nhạc sĩ Ca Lê Thuần nói chuyện chuyên đề âm nhạc, bà Liên
minh họa bằng tiếng đàn piano luôn đông nghịt người nghe. Rồi những buổi
biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con. Một gian nhà tương đối rộng rãi,
ngoài kia ngờm ngợp ánh trăng, trong nhà chỉ có cây đèn dầu tỏa sáng, bà
con ngồi đầy nhà, đầy sân nghe các nghệ sĩ đàn hát.
Cậu bé Đặng Thái Sơn lúc đó mới chín, mười tuổi cũng biểu diễn. Tiếng
đàn của Sơn lúc đó cuốn hút mọi người lắm rồi. Bà con đâu có ngờ, 10
năm sau, năm 1980 tên tuổi nhạc sĩ tài danh năm nào còn mò cua, bắt ốc
trên cánh đồng làng quê Việt Nam đã vang xa khắp thế giới.
Cuộc sơ tán kéo dài từ năm 1965 đến đầu năm 1970. Thỉnh thoảng bà mới
đạp xe về Hà Nội để mua thực phẩm bằng tem phiếu. Nhiều khi đèo cả Sơn
về. Hai mẹ con phải đi ban đêm vì ban ngày luôn bị máy bay địch quần
đảo.
Không ít lần cả hai mẹ con cùng chiếc xe đạp cà tàng lao xuống vệ đê.
Có hôm lần mò giữa đêm trên đường làng lầy lội, trơn trượt, bà dẫm phải
mảnh sành, đứt chân, loang máu. Những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy
đã cho bà và Đặng Thái Sơn một vốn sống thực tế vô cùng ý nghĩa của
cuộc đời nghệ sĩ.
Ít ai ngờ, ngày nhỏ Đặng Thái Sơn cũng có một tuổi thơ bình thường
như bao trẻ nhỏ khác, không có cái vẻ của một thiên tài như nhiều người
lầm tưởng.
Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, khi cả gia đình bà Thái Thị Liên sống
trong một ngôi nhà 2 phòng diện tích chỉ 20m2 mà sau này mỗi lần quay
trở lại, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới vẫn đôi khi giật mình vì
tại sao gia đình nhỏ của mình ngày xưa lại có thể sống trong một không
gian nhỏ đến thế.
Hồi đó Đặng Thái Sơn có một sở thích là nuôi gà. Những năm đi sơ tán
cùng mẹ, Đặng Thái Sơn được trồng cây, nuôi gà và mê từ lúc nào không
hay. Năm 1970, lúc 12 tuổi, từ nơi sơ tán trở về, Đặng Thái Sơn đã làm
một cái chuồng gà trong nhà mình.
Lúc sơ tán trên Hà Bắc từ 1965 - 1969, Đặng Thái Sơn sống đúng như
một cậu bé nông thôn. Hồi đó, Sơn đã được học nhạc với mẹ. Nhưng điều
kiện cũng chỉ có một cây đàn nên mọi người phải chia nhau tập. Mỗi người
chỉ được 40 phút/ngày bởi đàn thì ít học sinh thì nhiều. Thời gian còn
lại là để học văn hóa. Đặng Thái Sơn cũng không được thiên vị hơn dù là
con của cô giáo Thái Thị Liên.
Hồi nhỏ Đặng Thái Sơn rất thích học toán học, có lẽ vì gia đình có
gen toán (chú ruột của Đặng Thái Sơn là GS Toán học Đặng Đình Áng). Cuối
cấp 1 năm lớp 4 , Đặng Thái Sơn đi thi toán được giải nhất xã, rồi đến
nhất huyện Yên Dũng, sau đó là nhất tỉnh Hà Bắc. Nhưng sau này có lẽ gen
âm nhạc mạnh hơn, nên Sơn trở thành nghệ sĩ dương cầm.
Lúc đó cây đàn với Đặng Thái Sơn chỉ như một thứ đồ chơi có âm thanh.
Hồi đó, trò chơi của trẻ con chỉ là đánh bi, đánh xèng. Khi tiếp xúc
với đàn piano, Đặng Thái Sơn tò mò khi thấy nó phát ra âm thanh, lại còn
có nốt cao, nốt thấp.
Rồi sau đó Sơn cũng chơi được những giai điệu đơn giản và thấy chiếc
đàn dần dần cuốn hút mình. Trong nhà, Đặng Thái Sơn là người nhỏ nhất.
Gia đình ai cũng chơi đàn nên đến lượt Đặng Thái Sơn, NSND Thái Thị Liên
không muốn cho con học nữa.
Nhưng nhà thơ Đặng Đình Hưng đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của
con, NSND Thái Thị Liên đã bắt đầu chú ý đến con hơn và phát hiện ra tài
năng thực sự trong chính ngôi nhà mình. Bà đã âm thầm dạy con học đàn.
Nhưng bà không phải là người mẹ mà “con hát mẹ khen hay”.
Bà là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời
khen. Khi Đặng Thái Sơn bắt đầu tập đàn piano, chả mấy khi Đặng Thái Sơn
được mẹ khen, thậm chí lại còn bị "đối xử" rất khắt khe nữa. Sự khắt
khe của mẹ khiến nhiều lúc Đặng Thái Sơn lại thành tự ti về khả năng
chơi đàn của mình.
Sau này có một giáo sư âm nhạc người Nga sang Nhạc viện khi Đặng Thái
Sơn đang học trung cấp tại đây, người thầy này mới giúp cho Đặng Thái
Sơn tin vào khả năng âm nhạc của mình. Nhưng Đặng Thái Sơn sinh ra là để
chơi đàn.
Khi đã dính vào cây đàn thì không ai có thể kéo Đặng Thái Sơn ra khỏi
nó. Ngày nhỏ, 3 chị em có một cây đàn mà Đặng Thái Sơn luôn tìm cách
độc chiếm. Đặng Thái Sơn tập đàn quên giờ giấc. Bài càng khó càng hấp
dẫn Sơn.
Tự hào vì con đã thành danh
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được công chúng trong và ngoài nước biết tới
bởi anh là người Việt đầu tiên, cũng là người châu Á đầu tiên loại 149
đối thủ đến từ 37 quốc gia trên toàn thế giới, giành giải Nhất cuộc thi
Piano quốc tế danh tiếng mang tên F.Chopin lần thứ 10, tổ chức tại thủ
đô Ba Lan năm 1980.
Tại đây, ngoài giải chính ra, Đặng Thái Sơn còn đoạt thêm 11 giải phụ
khác do nhiều tổ chức thế giới tặng thưởng - một kỷ lục trong lịch sử
giải Chopin. Tiếp đó Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
cho Đặng Thái Sơn và Sơn là nghệ sĩ trẻ nhất của Việt Nam dành danh hiệu
cao quý này.
Sau những thành công đó, Đặng Thái Sơn đi lưu diễn khắp thế giới liên
tục. Từ đầu năm 1981, NSND Thái Thị Liên xin phép chính phủ được rong
ruổi cùng với con trai tiếp tục sự nghiệp âm nhạc khắp thế giới. Bà làm
đủ nghề để hỗ trợ cho Sơn.
Vốn thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, bà làm thư ký, đánh máy, tốc ký
và tất nhiên làm cả công việc nội trợ cho con trai mình. Hai mẹ con
"phiêu lưu" bảy năm ở Liên Xô (cũ). Cuối năm 1987, Đặng Thái Sơn được
mời làm giáo sư giảng dạy trưòng Côle ở thủ đô Pari (Pháp), và nhiều
trường đại học danh tiếng khác ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ.
Và liên tục, liên tục là những chuyến biểu diễn, những đợt làm giám
khảo các cuộc thi piano, nhất là các cuộc thi piano quốc tế mang tên
Chopin trên đất nước Ba Lan. Đặng Thái Sơn đi tới đâu cũng có người mẹ
săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ...
NSND Thái Thị Liên chỉ bớt chăm sóc con đi một chút khi bà bước qua
tuổi 90. Khi bà bước qua tuổi này, NSND Đặng Thái Sơn bắt đầu nhận ra đã
đến lúc mình phải lo cho mẹ nhiều hơn. Đặng Thái Sơn không để mẹ nấu
cơm cho mình nữa mà bắt đầu học cách chế biến các món ăn.
NSND Thái Thị Liên đối xử với con như một người bạn. Bà chăm sóc con,
nhưng cũng dành nhiều thời gian chơi đàn với con. Hai mẹ con bà chơi
đàn với nhau như một cách để trò chuyện, giao tiếp với nhau. Dù Đặng
Thái Sơn đã hơn 50 tuổi, trong mắt bà, Sơn mãi là người con nhỏ bé.
Thường thì mỗi năm, NSND Thái Thị Liên đều về Việt Nam. Mỗi lần về Hà
Nội, khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Bà được gặp những người thân yêu
trong gia đình, những bạn bè, đồng nghiệp, những thế hệ học trò. Bà vẫn
như xưa, vẫn thu hút người đối diện với lối trò chuyện nhỏ nhẹ, đôn hậu,
nồng ấm, nhất là khi nhớ lại những ngày kháng chiến.
Có 2 người con là NSND, một người con là kiến trúc sư, có lẽ điều
không trọn vẹn NSND Thái Thị Liên duy nhất chính là cuộc hôn nhân thăng
trầm của bà với nhà thơ Đặng Đình Hưng. NSND Thái Thị Liên và nhà thơ
Đặng Đình Hưng chia tay năm 1978. Trước đó, vì nhà thơ Đặng Đình Hưng bị
vướng vào những rắc rối về vấn đề tư tưởng, NSND Thái Thị Liên đã phải
chống đỡ,
Sau khi chia tay, nhà thơ Đặng Đình Hưng bị ung thư phổi. Khi Đặng
Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, lúc ấy, Đặng Đình
Hưng đang phải sống trong cảnh ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà
không cửa, chỉ nằm chờ chết.
Đúng hôm Đặng Thái Sơn thi, nhà thơ Đặng Đình Hưng nhập viện. Ở nhà
điện sang nói Đặng Thái Sơn thi xong phải về ngay vì có thể ông sẽ không
qua khỏi. Nhưng nhờ hai giáo sư Tôn Thất Tùng và Hoàng Đình Cầu đã chữa
chạy, và có lẽ vì niềm vui khi con đoạt giải trong cuộc thi âm nhạc lớn
thế giới mà ông sống thêm được 10 năm nữa.
NSND Đặng Thái Sơn nói đời người như một cái vòng tròn, ai đi rồi
cũng sẽ quay về. Mấy năm nay, cứ mùa đông tuyết rơi là Đặng Thái Sơn đưa
mẹ về Việt Nam mấy tháng ở cùng vợ chồng NSND Thu Hà. Vì thời gian đó
Đặng Thái Sơn hay đi diễn, không yên tâm để mẹ ở một mình.
Anh cũng mua một căn nhà ở Hà Nội, dự định sẽ trở về cùng mẹ, khi cảm
thấy đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi. Dù NSND Thái Thị Liên không còn có
thể theo sát con mỗi chuyến lưu diễn như xưa, nhưng bà luôn ở bên con
trai mình theo một cách nào đó và mãi mãi là người phụ nữ không thể thay
thế trong cuộc đời NSND Đặng Thái Sơn.
- Sen Hồng
- http://phunutoday.vn/kham-pha/nguoi-me-tai-nang-cua-nsnd-dang-thai-son-21023.html
Chị gái Đặng Thái Sơn kể chuyện nghề, chuyện đời
ReplyDeletehttp://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/chi-gai-dang-thai-son-ke-chuyen-nghe-chuyen-doi-1181.html
Bà này chon sai con đường để cống hiến rồi. Nhưng thành tựu bà có được hôm nay cũng đủ an uỉ bà cho đến cuối đời. Lão Hồ Đồ cảm thông cho bà và các con của bà...
ReplyDelete